Bắc Kạn gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công
VOV.VN - Năm 2022, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bắc Kạn tăng gấp 3 lần so với năm trước nhưng hiện mới chỉ giải ngân đạt khoảng 4%. Trước nguy cơ “vỡ” kế hoạch giải ngân, Bắc Kạn đang tập trung các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến độ với mục tiêu nằm trong nhóm các địa phương có tỉ lệ giải ngân cao.
Là công trình trọng điểm, chiếm đến 60% tổng vốn đầu tư công của Bắc Kạn năm 2022, nhưng Dự án giao thông từ thành phố Bắc Kạn nối Hồ Ba Bể là một trong những dự án nằm trong nhóm có nguy cơ "vỡ" kế hoạch. Công trình này phải trả nợ khối lượng đã ứng của 2021 và phần của năm nay với tổng số tiền lên đến 1.600 tỉ đồng. Tuy vậy, việc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, thiếu bãi đổ thải và đặc biệt là thiếu đường phục vụ thi công nên đến thời điểm này mới chỉ có 7/12 nhà thầu triển khai công việc... Để đảm bảo kế hoạch, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung nhân lực, phương tiện và giải quyết các vướng mắc tồn tại để triển khai toàn bộ các gói thầu ngay trong quý II này.
“Từ giờ đến cuối năm, khối lượng của doanh nghiệp sẽ là rất lớn,vướng mắc nhất là bãi đổ thải, nếu có đủ mặt bằng, bãi đổ thì doanh nghiệp sẽ huy động toàn bộ máy móc, thực ra hiện máy móc của đơn vị đang nằm không rất nhiều. Chúng tôi cũng có thuận lợi đó là người dân rất ủng hộ, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ rất nhiệt tình cho doanh nghiệp hoàn thành tiến độ. Nếu không vướng mắc gì, chúng tôi đảm bảo đến cuối năm có thể hoàn thành toàn bộ phần mở nền, thậm chí là thi công mặt đường, đảm bảo tối thiểu đạt trên 80% khối lượng”, ông Hà Văn Phú, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Huy Hoàn, đơn vị tham gia thi công tuyến đường cho biết.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, đến hết tháng 4, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân đạt khoảng 4% kế hoạch trong tổng số hơn 2.600 tỷ đồng vốn được duyệt của năm nay. Lý giải nguyên nhân tỉ lệ giải ngân thấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cho biết, khi phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số dự án có quy mô lớn được UBND tỉnh Bắc Kạn giao cho Sở, ngành làm chủ đầu tư nhưng nhiệm vụ quản lý công trình lại giao cho các Ban Quản lý Dự án chuyên ngành. Điều này gây lúng túng trong quản lý và ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương còn thiếu linh hoạt, chưa chủ động triển khai dự án.
Ông Võ Quốc Toàn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn cũng cho biết, việc một số công trình phải chờ các thủ tục hành chính và đặc biệt là nguồn thu của các địa phương eo hẹp... cũng là nguyên nhân khiến dự án chưa thể triển khai.
“Một số dự án chúng tôi thực hiện liên quan đến thi tuyển kiến trúc nên cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện. Với nguồn vốn từ cấp quyền sử dụng đất, 3 tháng đầu năm thành phố cũng đã thông báo đấu giá đất nhưng chưa có nhà đầu tư tham gia đấu giá. Với các nguồn khác chúng tôi đang khẩn trương tập trung triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp ngay trong tháng 6”, ông Võ Quốc Toàn nói.
Dự kiến trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn sẽ được Trung ương bổ sung thêm kế hoạch vốn từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vốn Ngân sách trung ương tăng thêm… nhưng đến thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị danh mục dự án, chuẩn bị đầu tư và các thủ tục có liên quan chưa thực hiện xong. Trong khi đó, theo chủ trương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ một số dự án có yếu tố bất khả kháng mới được xem xét kéo dài thời gian cấp vốn. Các dự án khác nếu không kịp giải ngân sẽ bị trừ tương ứng và các địa phương sẽ tự bố trí vốn để hoàn thành.
“Năm nay, số vốn cần giải ngân của Bắc Kạn cao gấp nhiều lần các năm trước nên sức ép giải ngân rất lớn. Do đó, phải đi tắt đón đầu, phải linh hoạt và có sự chủ động để làm trước. Các đơn vị, sở ngành phải có khoảng cách ngắn nhất trong thực hiện trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, nếu chúng ta làm đúng theo hành chính hóa sẽ không thể đáp ứng tiến độ giải ngân. Một thủ tục, giấy tờ cần 15 ngày, nay chỉ được phép trong 5 ngày”, ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng nhận định, việc tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp phần lớn vẫn do những nguyên nhân chủ quan từ địa phương. Do đó, công tác đôn đốc, công tác phối hợp và tính chủ động của địa phương sẽ là yếu tố quan trọng để hoàn thành kế hoạch. Cùng với đó, các đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, thi công phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tiến độ theo từng tuần cho thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Dù còn không ít khó khăn, nhưng Bắc Kạn đặt phấn đấu hết tháng 6 tới sẽ vào nằm trong nhóm các địa phương có tỉ lệ giải ngân ở mức trung bình và cuối năm nay đạt mục tiêu nằm trong vào nhóm có tỉ lệ giải ngân khá của cả nước./.