Bắc Kạn: Nhiều doanh nghiệp chiếm đất sản xuất rồi “bỏ hoang”
VOV.VN - Tỉnh Bắc Kạn có quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp khá eo hẹp nhưng có không ít doanh nghiệp đang chiếm giữ những vị trí “đất vàng” rồi bỏ hoang.
Cuối năm 2019, người dân Bắc Kạn xôn xao khi một doanh nghiệp đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất giầy, quy mô lên đến 3.000-5.000 công nhân. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương thành lập Cụm công nghiệp Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) với diện tích khoảng 10 ha, trong đó có hơn 8 ha đất lúa.
Tuy nhiên, tháng 3/2020, khi dịch Covid -19 bùng phát, doanh nghiệp bất ngờ thông báo chấm dứt dự án trong sự hụt hẫng của chính quyền và người dân, bởi hơn 50 hộ dân bị thu hồi đất lúa vẫn chưa được đền bù, hỗ trợ.
“Nhà tôi có 3.000m2 ruộng ở đây và dừng cấy lúa một vụ rồi, bây giờ mong muốn cấp trên xuống xem xét, có lấy ruộng thực hiện dự án nữa không? Vụ này, khu ruộng đó nhà tôi cũng phải cấy lúa, không cấy thì không có gì ăn” - anh Nông Văn Tiệp, người dân Bản Vẻn Ngoài nói.
Khu đất giao cho một doanh nghiệp tại Suối Viền, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn xây dựng nhà máy gạch không nung nhưng nhiều năm vẫn để cỏ dại mọc um tùm. |
Dành diện tích đất phù hợp, xây dựng hệ thống hạ tầng nhằm mời gọi các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển là cách làm phù hợp, nhất là với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Vậy nhưng đang có một nghịch lý là ngay tại thành phố Bắc Kạn, hàng chục ha đất đã giao cho các doanh nghiệp lại không phát huy hiệu quả.
Có thể kể đến như diện tích đã giao cho Công ty Cổ phần sản xuất và chế tạo ô tô Tracimexco, vốn được xem là vị trí "vàng" nằm ven Quốc lộ 3. Thế nhưng nhiều năm qua, khu đất gần chục ha này lại được xây dựng các xưởng sản xuất đũa, băm bóc gỗ nguyên liệu rừng trồng và đơn vị này thường xuyên nằm trong danh sách nợ thuế khó đòi của tỉnh Bắc Kạn. Cách đó không xa là khoảng đất 3 ha của Nhà máy Xi măng Bắc Kạn bị bỏ hoang do đơn vị này liên tục làm ăn thua lỗ.
Sau khi thu lại một phần diện tích, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục giao cho một doanh nghiệp khác xây dựng nhà máy gạch không nung, nhưng 5 năm qua vẫn chưa có động thái triển khai.
KCN Thanh Bình, khu công nghiệp duy nhất của Bắc Kạn, cũng trong tình trạng tương tự. Dù toàn bộ 45 ha mặt bằng đã giao hết cho doanh nghiệp nhưng hàng chục năm qua, tỉ lệ sử dụng có hiệu quả cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 50%, có thời điểm chỉ 20-30%, thậm chí có những thời điểm hầu như không có doanh nghiệp nào hoạt động.
Phần lớn diện tích đất tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới vẫn để hoang hóa từ nhiều năm qua nhưng tỉnh Bắc Kạn mới chỉ thu hồi được một phần diện tích sử dụng không hiệu quả của doanh nghiệp. |
Điển hình như Công ty Cổ phần Khoáng sản và gang thép Kim Sơn (được giao hơn 27 ha) hay Công ty Cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ Matexim (được giao hơn 5 ha) đều bỏ hoang mặt bằng từ nhiều năm nay. Trong khi đó, có những doanh nghiệp đến xin mặt bằng để đầu tư sản xuất nhưng do không còn quỹ đất, doanh nghiệp phải chấp nhận đi thuê lại mặt bằng, nhà xưởng.
Ông Nông Đình Huân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp Bắc Kạn cho biết, hiện tỉnh Bắc Kạn đang triển khai mở rộng diện tích KCN Thanh Bình thêm hơn 80 ha, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới.
“Việc giao đất thì dễ, nhưng thu lại rất khó. Khi giao đất thì dồn mọi nguồn lực, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng đã có đầu tư trên phần đất đó. Bây giờ muốn thu hồi lại vướng tài sản trên đất và vấn đề nữa mang tính cốt lõi để có thể thu hồi được, đó là còn thiếu sự quyết liệt của địa phương” - ông Huân nói.
Là một tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi nên để có đất cho sản xuất công nghiệp, Bắc Kạn đã phải đánh đổi bằng những bờ xôi ruộng mật của người dân. Do đó, địa phương cần có chế tài đủ mạnh và chặt chẽ nhằm đảm bảo các doanh nghiệp triển khai đầu tư theo cam kết, tránh tình trạng "người cần thì không có, người có thì bỏ hoang"./.