Vực dậy Vinashin:

Bài 4: Vinashin- khi niềm tin quay trở lại

Nếu không xây dựng được niềm tin vững chắc vào sự phục hồi phát triển trở lại của Tập đoàn, việc huy động vốn hay giải quyết những nút thắt khác của Vinashin là không thể

>> Bài 1: Con tàu Vinashin đã “mắc cạn” thế nào?
>> Bài 2: Vinashin và bài học giám sát, quản lý
>> Bài 3: Tái cơ cấu Vinashin- diện mạo mới như thế nào?

Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Nam Triệu Nasico- thành viên của Vinashin, nếu như cách đây 4- 5 tháng, một không khí ảm đạm tĩnh mịch bao trùm hầu hết các xưởng đóng tàu, thì giờ đây tiếng máy móc tiếng búa đập vào các thành tàu của những chiếc tàu sắp xuất xưởng lại vang lên. Không khí phấn khởi và tự hào của sự kiện bàn giao kho nổi 150.000 tấn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vài ngày trước đó còn hiện trên nét mặt của công nhân. Mặc cho những ảnh hưởng của nợ nần, những người thợ đóng tàu đã vượt qua khó khăn một cách ngoan cường để làm ra kho nổi lớn đầu tiên của đất nước.

Anh Nguyễn Minh Thực, công nhân thợ hàn bậc 5/7 cho biết: “Thời gian trước công việc rất nhiều. Một hai năm gần đây do khủng hoảng công việc giảm rất nhiều. Sau khi tái cơ cấu, dần dần chúng tôi có công việc để làm, đạt được tiến độ công việc, thu nhập bằng 2/3 so với trước đây”.

Chỉ sau hơn 3 tháng thực việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và các đơn vị thành viên, một không khí làm việc mới, một niềm tin mới đã quay trở lại đối với đa số công nhân đóng tàu nơi đây. Ông Đinh Bá Phòng, Quản đốc Phân xưởng đóng tàu Đấu Đà, Tổng Công ty đóng tàu Nam Triệu cho rằng, thời điểm khó khăn nhất đã qua, vấn đề quan trọng là từng công nhân đóng tàu phải nỗ lực hết mình để nhanh chóng hoàn thành những con tàu đảm bảo chất lượng, đúng thời gian giao hàng: “Hiện Phân xưởng có 365 người, lương trung bình 3-3,5 triệu đồng/tháng/người”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Cừ, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Nam Triệu cho biết, không chỉ có Nam Triệu mà tất cả các đơn vị thành viên khác của Vinashin cũng đang nhanh chóng thực hiện việc tái cơ cấu. Chỉ có làm tốt nhiệm vụ này, sản xuất mới được khôi phục, mới lấy lại được uy tín của ngành đóng tàu Việt Nam.

Trong 3 tháng vừa qua, Nam Triệu đã lên được các phương án tái cơ cấu toàn diện hệ thống công ty mẹ, công ty con. Đồng thời hoạch định lại các dự án cấp thiết để bàn giao cho các chủ tàu. Với nguồn nguồn vốn điều lệ mà Chính phủ và Tập đoàn vừa cấp, Nam Triệu đã có thêm nguồn lực để mua sắm vật tư thiết bị nhằm hoàn thiện và bàn giao các sản phẩm. Đến nay, đã bàn giao 2 con tàu và nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 12 này, Tổng công ty sẽ bán thêm 4 con tàu nữa, theo đúng cam kết với Chính phủ.

Ông Vũ Văn Cừ cho biết: “Từ nay đến hết năm 2011, chúng tôi chỉ đầu tư những gì thực sự cần thiết phục vụ trực tiếp cho các dự án đóng tàu chứ không đầu tư các dự án mới. Và lên những phương án đầu tư cho đến 2014 và từ 2014 – 2020 và từ 2020 – 2025. Song song đó đưa ra những chiến lược tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho ngành đóng tàu và các ngành phụ trợ của Tổng Công ty. Tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để khoanh giãn nợ cũ, tích cực thu xếp để trả nợ, đàm phán cam kết để các tổ chức cấp hạn mức tín dụng cho các dự án sau. Sẽ có những cam kết thoả thuận, mỗi dự án có một nhà đầu tư tài trợ, sau khi đóng xong và bán sẽ trả thẳng cho các ngân hàng”.

Không chỉ có Nam Triệu mà ở các đơn vị đóng tàu khác của Vinashin, việc hoàn thiện nhanh các sản phẩm để bàn giao cho chủ tàu đang là nhiệm vụ hàng đầu. Xuống thăm một phân xưởng đóng tàu của Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Bạch Đằng, chúng tôi gặp ông Chu Vũ Hưng, Tổng Giám đốc Công ty đang đi giám sát và động viên anh em công nhân.

Ông Hưng cho biết 3 sản phẩm trọng điểm mà Bạch Đằng đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao trong năm 2010 này gồm: tàu Ethylene 4.500m3 số 1 dự kiến bàn giao ngay trong tháng 11. Tàu Container 1.700TEU, bàn giao vào ngày 30/12. Tàu hàng 6.500T bàn giao vào 28/12. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất trên 3 sản phẩm trọng điểm để bàn giao đúng tiến độ, Tổng Công ty hiện đang đồng loạt triển khai thi công trên các sản phẩm đóng mới tiếp theo như tàu Ethylene 4.500m3 số 3, số 4, tàu chở Xi măng 14.600T, tàu hàng 17.500T số 2, seri tàu hàng 22.500T…

Ông Hưng nói: “Hiện nay Vinashin rất thiếu vốn, nên chậm giao tàu cho khách hàng khiến các bạn hàng chưa tin tưởng Vinashin. Do đó, ngoài đầu tư cho khoa học công nghệ, cần phải có đủ vốn cho Vinashin tái cơ cấu. Cần có đủ nguồn tài chính nhất định để có thể mở LC mua vật tư.

Một điều khác nữa, để giao hàng đúng hẹn cho chủ tàu, ngoài những nỗ lực của Vinashin tôi đề nghị những bộ, ngành như hải quan, tài chính và các đơn vị trực thuộc cho chúng tôi thông quan những lô hàng ở cảng Hải Phòng một cách nhanh nhất. Chậm một ngày ở cảng, chậm một tuần ở cảng sẽ kéo theo cả một dây chuyền rất lớn làm chậm giao tàu cho chủ hàng. Mà chậm giao tàu, ngoài chuyện bị chịu tiền phạt còn tạo áp lực cho người lao động để hoàn thành việc giao hàng. Quan trọng hơn là không lấy được uy tín với khách hàng...”

Trong điều kiện tài chính khó khăn như hiện nay, việc tập trung ưu tiên vào những dự án đóng tàu quan trọng đang là điều đặt ra đối với các đơn vị đóng tàu thành viên của Vinashin. Ông Nguyễn Văn Học, Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng cho biết, Phà Rừng đang tập trung các nguồn lực hoàn thành 4 con tàu để bàn giao đầu năm 2011. Đây là các con tàu xuất khẩu cho Hy Lạp và Anh. Bên cạnh đó, Phà Rừng cũng đang bàn bạc với Tổng Công ty hàng hải Việt Nam Vinalines để tiếp tục ký tiếp hợp đồng đóng mới 4 chiếc tàu 34.000 tấn. Và nếu thương thảo thành công, Phà Rừng sẽ có đủ việc đến đầu năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Học nói: “Vừa rồi Phà Rừng được cấp hơn 200 tỷ vốn điều lệ từ Chính phủ, nguồn vốn này được tập trung vào hoàn thiện những con tàu đang dở dang để bàn giao trong đầu năm 2011. Hiện nay các cơ sở đó đầu tư được đến đâu, chúng tôi tìm cách phát huy hết hiệu để khỏi lãng phí. Trước đây ở Phà Rừng có hơn 20 đơn vị thành viên, giờ chỉ còn 8 đơn vị thành viên, Phà Rừng có các công ty con đóng tàu rải rác ở Nam Hà, Thái Bình, Phú Thọ... Hiện nay đã làm việc với các ngân hàng thương mại để các ngân hàng đó hỗ trợ về vốn đóng tàu.

Tôi cho rằng khi chúng tôi đóng tàu không bị lỗ và có lãi, thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay. Tôi đã bàn với các ngân hàng thương mại thay đổi cách ký hợp đồng và giải ngân vay vốn ngắn hạn. Kiểu cho vay trước đây khó cho cả người đóng tàu, khó cho cả người cho vay, thậm chí người cho vay không biết quản lý thế nào. Bây giờ nên cho vay và giải ngân theo từng chiếc tàu một thì ngân hàng sẽ quản lý được và biết ngay lỗ lãi. Như vậy sẽ nhiệt tình cho vay đóng tàu”.

Từ thực tế hiện nay của các đơn vị đóng tàu có thể thấy, vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để kéo Vinashin ra khỏi những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, nếu không xây dựng những niềm tin vững chắc vào sự phục hồi phát triển trở lại của Tập đoàn, việc huy động vốn hay giải quyết những nút thắt khác của Vinashin là không thể. Sẽ không có một ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào có thể cho các đơn vị thành viên Vinashin vay, khi con số nợ 86.000 tỷ của Tập đoàn này vẫn được dư luận nhắc đi nhắc lại mà ít khi nhắc đến những quyết tâm và nỗ lực của Tập đoàn này nhằm thoát khỏi suy thoái.

Thời gian vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có cái nhìn toàn diện hơn về Tập đoàn Vinashin để chung tay vực dậy Vinashin. Tiếp tục loạt bài ”Vực dậy Vinashin”, chúng tôi sẽ cuộc đối thoại với vị khách mời là Tổng Giám đốc Vinashin, ông Trương Văn Tuyến về những vấn đề cần phải giải quyết ở Tập đoàn./.

>> Bài 1: Con tàu Vinashin đã “mắc cạn” thế nào?
>> Bài 2: Vinashin và bài học giám sát, quản lý
>> Bài 3: Tái cơ cấu Vinashin- diện mạo mới như thế nào?

Bài 5: Đối thoại với Tổng Giám đốc Vinashin về tương lai

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên