Phát triển cao su ở Tây Nguyên:

Bài II: Lợi thế thực hay ảo?

Những người trồng cao su ở Tây Nguyên đang đổ xô vào trồng loại cây này khi giá tăng. Tuy nhiên, nếu không thấy xa hơn, cũng như không được tư vấn kịp thời, không tính toán kỹ thì chắc chắn sẽ gặp thất bại

Thực tế cho thấy, bất cứ loại sản phẩm nông nghiệp nào, khi đã qua những trồi sụt, giá cả sẽ trở về mức hợp lý. Để cạnh tranh được, điều cốt yếu là sản phẩm đó phải có lợi thế so sánh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại ở các vùng, các quốc gia khác. Vậy những diện tích cao su đã, đang và sẽ được trồng ở Tây Nguyên có được những lợi thế đó không?

Các nhà khoa học nói gì?

Suốt từ tháng 5 - 8/2008 là quãng thời gian tiến sĩ Hoàng Thanh Tiệm, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thường xuyên tắt điện thoại di động. Ông cho biết, có quá nhiều người gọi, hẹn gặp để bàn về việc hợp đồng với Viện, tiến hành khảo sát đất cho các dự án trồng cao su trong chương trình chuyển đổi 30.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su của tỉnh Đắk Lắk. Tiến sĩ Tiệm đành tắt máy để không phải khó xử.

Hơn 30 năm sống ở Tây Nguyên, đi khắp các vùng rừng, nghiên cứu nhiều loại cây, ông không thấy có triển vọng tốt đẹp nào cho cao su đại điền trên đất rừng nghèo: “Ở Tây Nguyên, chẳng hạn như Ea Súp hay giữa Gia Lai và Đắk Lắk thì tầng đất mặt rất tốt, nhưng phía dưới lại kết vón rất cứng, lớp rễ cây khó mà phát triển được. Muốn cây phát triển được, người ta phải cày tung lớp đất đó lên. Đó là cách làm bằng mọi giá, và cũng có thể được. Nhưng nếu xét về hiệu quả kinh tế và nhiều thứ khác thì chưa chắc đã có hiệu quả”- ông Tiệm nói.

Theo Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, chi nhánh tại Gia Lai, có rất nhiều yếu tố chi phối năng suất, sản lượng cao su như: đất đai, khí hậu, độ cao. Riêng về đất đai, theo tiêu chí của Viện này đã có 4 loại, 8 tiểu loại. Trong đó, loại 1A và 1B là đất trồng cao su lý tưởng, 2A và 2B là đất khá và trung bình. 3A và 3B là đất trồng cao su đòi hỏi phải thâm canh cao; còn loại 4A và 4B là đất không thể trồng cao su. Theo kết quả khảo sát gần 1.700 ha đất rừng nghèo trong chương trình chuyển đổi 50.000 ha rừng sang trồng cao su của tỉnh Gia Lai, do đơn vị này thực hiện, tỷ lệ đất có thể trồng cao su chỉ ở mức dưới 60%. Phần lớn trong số đó là đất loại 3A và 3B, hầu như không có đất loại 1.

Kết quả này cho thấy, trong 10.000 ha rừng nghèo đã khai hoang ở Gia Lai, sẽ có vài nghìn ha không thể trồng cao su. Diện tích còn lại có thể trồng cao su nhưng đòi hỏi phải tốn công đầu tư thâm canh. Ngoài ra, Tây Nguyên là vùng cao, mưa tập trung trong 6 tháng làm nhiều loại bệnh phát sinh và gây nhiều khó khăn cho việc cạo mủ cao su. Thạc sĩ Trần Minh, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên, thuộc Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, chi nhánh Gia Lai, cho biết: “Nếu đất là đất tốt như 1A, 1B thì thời gian kiến thiết cơ bản sẽ ngắn lại. Loại 2, thời gian kiến thiết cơ bản của nó cũng có thể ngắn lại. Nhưng sang đến loại 3 thì thời gian kiến thiết cơ bản phải 8 năm. Thứ hai là khi đưa vào khai thác thì sản lượng chênh lệch nhau rất nhiều”.

Tây Nguyên không có lợi thế so với các vùng sản xuất cao su ở miền Đông Nam Bộ, lại càng không có lợi thế với các “cường quốc” cao su như Thái Lan và Malaysia. Năng suất cao su bình quân của khu vực này hiện đạt khoảng 1,7 tấn mủ khô/1 ha/1 năm; bằng 75% so với miền Đông Nam Bộ, bằng 67% so với Thái Lan và chỉ bằng gần 60% so với năng suất của bộ giống Seri 3000 trồng tại Malaysia. Nếu mang cao su trồng trên đất rừng nghèo, lợi thế so sánh của khu vực Tây Nguyên lại kém đi một vài bậc nữa.

Thế nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách ở Trung ương cũng cổ vũ các tỉnh Tây Nguyên rằng: đừng quá câu nệ lý thuyết! Họ viện dẫn nhiều ví dụ: Ở Bình Dương, cao su đã trồng được sát chân ruộng lúa nước, hay ở Trung Quốc, ngay trên núi người ta cũng trồng được cao su. Vì thế, phát triển cao su trên đất rừng nghèo ở Tây Nguyên không có gì đáng lo ngại!

Làm kinh tế theo cảm tính!

Yếu thế về mọi mặt, nhưng các tỉnh Tây Nguyên vẫn nhất quyết chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su vì nhiều lẽ. Lý do đầu tiên ai cũng muốn nêu ra đó là nhu cầu tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nguyên nhân bên trong là do sự vào cuộc cực kỳ sốt sắng của các doanh nghiệp. Tại Gia Lai, trong cả trăm doanh nghiệp xếp hàng, chỉ có 15 cái tên được chọn tham gia chương trình trồng mới 50.000 ha cao su của tỉnh này. Còn ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), có tới 33 trong tổng số 51 dự án đăng ký đầu tư năm 2008 là các dự án cao su.

Các nhà khoa học ở Tây Nguyên thì vẫn lo ngại và đã lên tiếng cảnh báo về tính hiệu quả của cao su trồng trên đất rừng nghèo. Mối lo này đã được chứng minh bằng thực tế. Công ty Cao su Đắk Lắk - một trong những doanh nghiệp lớn, có bề dày kinh nghiệm làm cao su ở Tây Nguyên, đã từng trồng 400 ha cao su trên đất trống và đất rừng nghèo tại tỉnh Đắk Nông. Kết quả, doanh nghiệp này đã phải tốn đến 9 năm kiến thiết cơ bản cho diện tích cao su này, dài gấp rưỡi so với mức thông thường, với chi phí cao gần gấp đôi. Ông Huỳnh Văn Khiết, Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk, rút ra kinh nghiệm: “Đất rừng khộp, thứ nhất là tầng canh tác mỏng, thứ hai là tầng đất dưới kết vón, thứ ba là không thoát nước trong mùa mưa được. Chắc chắn là cao su phát triển không tốt. Chúng tôi cũng có một vùng đất cao su ở Đồn 9 của tỉnh Đắk Nông, phải mất 10 năm mới có hiệu quả, phải tập trung ghê gớm lắm mà tăng trưởng cũng chậm”.

Giá cao su trung bình của năm 2008 là mức đỉnh cao trong nhiều năm trở lại đây, nên dù chỉ thu được hơn 600 kg mủ khô/1 ha trong năm đầu khai thác, 400 ha cao su vừa nêu của Công ty cao su Đắk Lắk vẫn được coi là có hiệu quả. Đây cũng chính là điểm tựa tâm lý để người trồng cao su ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, một khi thị trường xuống dốc, giá cao su trở về mức hợp lý, cao su trên những vùng kém lợi thế sẽ không cạnh tranh nổi trên thị trường. Ông Huỳnh Văn Khiết nhận định: “Khi thấy giá cao su cao, ai cũng đổ xô vào. Xô vào để mình có một ha cao su và yên tâm là có thu nhập. Tuy nhiên, đó là họ đang nhìn trong khung cảnh khi giá tăng, họ không thấy xa hơn và cũng không có được sự tư vấn kịp thời, không tính toán kỹ thì chắc chắn sẽ gặp thất bại”.

Không tính toán kỹ khi trồng cao su trên những vùng đất kém lợi thế so sánh thì nhìn thấy thất bại rõ hơn là thành công. Những thông tin nói trên cũng cho thấy, cần thận trọng khi đưa cây cao su vào đất rừng nghèo Tây Nguyên. Có như vậy, việc phát triển cao su ở khu vực này mới phát triển hiệu quả về kinh tế - dân sinh – môi trường, đúng như mục tiêu của Chính phủ đặt ra khi phê duyệt chương trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên