Bài toán khó cho 345.000 ha đất lâm nghiệp và 150.000 hộ dân ở Tây Nguyên

VOV.VN - Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt đề xuất lấy nông lâm kết hợp làm giải pháp để vừa tăng được độ che phủ, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân...

Làm sao để rừng không bị phá thêm trong khi 345.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp đã đưa vào canh tác nông nghiệp bởi 150.000 hộ dân, và tình trạng di dân tự do chưa dừng lại, gây áp lực lớn đến rừng và đất rừng. Đây là những vấn đề nổi bật được nêu ra tại Hội nghị “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên”, do Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 9/7 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 

Theo báo cáo của 5 tỉnh Tây Nguyên, tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là gần 345.000ha, chiếm 11,3% diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Những diện tích sản xuất nông nghiệp có cả trên 3 loại đất thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Số diện tích này chủ yếu là trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và cây ngắn ngày như sắn, ngô và các loại hoa màu.  

Tây Nguyên, khoảng 150000 hộ đang canh tác nông nghiệp trên 345.000ha đất lâm nghiệp lấn chiếm.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc cưỡng chế, giải toả, thu hồi những diện tích đất rừng đã bị lấn chiếm trồng cây nông nghiệp là không khả thi. Qua đó, tỉnh Lâm Đồng đề xuất giải pháp trồng, khôi phục độ che phủ rừng thông qua nông lâm kết hợp, với nguyên tắc "chấp nhận lịch sử, hài hoà hiện tại và quyết tâm trong tương lai".

“Yếu tố lịch sử 52.000ha như vậy thì người dân ở và sản xuất đã lâu, chấp nhận đưa toàn bộ diện tích này để trồng cây lâm nghiệp, giao khoán hoặc cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Còn ở giai đoạn 2015-2020, Lâm Đồng chỉ có 334ha bị xâm lấn, toàn bộ cương quyết giải tỏa để trồng rừng. Về tương lai, từ 2020 trở đi, quyết tâm cứ xâm lấn, giải tỏa trồng rừng lại tới đó. Bởi vì, mất rừng mà không trồng lại rừng thì cũng mất luôn đất" - ông Phạm S chỉ rõ.

Cùng với Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên cũng đồng loạt đề xuất lấy nông lâm kết hợp làm giải pháp để vừa tăng được độ che phủ, vừa mang lại kinh tế cho những hộ dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh có hơn 67.000ha nằm trong diện này nhiều năm qua không thể xử lý. Đắk Nông đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, công nhận các loại cây ăn trái là cây đa mục đích, dùng để trồng trên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Đồng thời, Bộ cần ban hành quy phạm kỹ thuật trồng nông lâm kết hợp và nghiên cứu, đánh giá tác dụng phòng hộ của các loài cây ăn quả để tính vào độ che phủ rừng.

Ông Tùng đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận các loài cây có tán rộng như Bơ, Sầu Riêng, Mít, Măng Cụt, chôm chôm hoặc nhãn, xoài là cây đa mục tiêu. Vì nó có tác dụng rất lớn, hơn cả cây cao su, cao su còn có mùa rụng lá. "Nếu làm được vấn đề này, có quy trình, quy phạm phát triển nông lâm kết hợp hoặc là ban hành các chính sách để triển khai nông lâm kết hợp thì tôi nghĩ rất hiệu quả. Tại vì chính mô hình này vừa đảm bảo môi trường, vừa đảm bảo kinh tế" - ông Tùng nói.

Ông Cao Đức Phát  nhấn mạnh, cuộc họp này không phải để hợp thức hóa diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm.

Kết luận Hội nghị, Uỷ viên trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh Tây Nguyên cần phải coi đây là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến 345.000ha đất lâm nghiệp mà còn liên quan đến kinh tế, đời sống, văn hóa của khoảng 150.000 hộ dân. Trên thực tế, những con số về đất rừng và hộ dân còn có thể cao hơn báo cáo của Bộ NN&PTNT và các tỉnh.

Mặt khác, báo cáo cũng mới chỉ tập trung vào rừng, đất rừng, chưa tập trung vào con người. Nếu vì lo sợ trách nhiệm, báo cáo không sát với thực tế, chính các tỉnh đang tự tạo khó khăn cho mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Cao Đức Phát đề nghị, phải đưa ra được các con số thống kê chính xác, sát thực để tham mưu đúng cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra những giải pháp hiệu quả cho vùng Tây Nguyên.

“Cần nhìn thẳng vào sự thật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những biện pháp, đặc biệt là cơ chế chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề này. Không nên để tình trạng lơ lửng kéo dài. Mục tiêu thì rõ ràng là làm thế nào ngăn chặn phá rừng, nhưng đồng thời phải tìm cách để hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả hơn diện tích rất lớn đất lâm nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp” - ông Cao Đức Phát nêu rõ.

Ông Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, cuộc họp này không phải để hợp thức hóa diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm. Đây là hội nghị để thảo luận, tìm giải pháp để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần kiên quyết bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, không được lùi các con số diện tích, độ che phủ rừng.

Đối với các kiến nghị của các địa phương, Ban Kinh tế trung ương sẽ xem xét và kiến nghị để có thể sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, cơ chế, chính sách để phát triển nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là hướng đi đúng nhưng cần nghiên cứu cụ thể để phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Làm sao phải khả thi về mặt kỹ thuật, tốt về môi trường, có hiệu quả kinh tế và hài hòa về mặt xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên