Bản di chúc bị cất giấu 46 năm và hơn 3 ha đất thừa kế của lão thành cách mạng

VOV.VN - Cô gái Đỗ Kim Quang 16 tuổi bỏ nhà đi kháng chiến, sau 26 năm trở về thì khu đất hơn 3 ha được cha mẹ để thừa kế đã bị chiếm đoạt vì di chúc, bằng khoán giấy tờ đất bị cất giấu suốt 46 năm.

Bản di chúc bị giấu kín trong 46 năm

Bà Đỗ Kim Quang (sinh năm 1933) là con gái út của một gia đình giàu có ở Tân Ba, Thạnh Phước, Biên Hoà (nay là phường Thái Hoà, Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có bố là ông Đỗ Văn Cung và mẹ là bà Châu Thị Xưa. Vào năm 1949, khi bà Đỗ Kim Quang vừa tròn 16 tuổi đang học trung học Trường Pháp L’Enseignement Secondaire ở Biên Hoà nghe theo tiếng gọi tổ quốc đã giã từ bạn bè rời mái trường, gia đình đi vào chiến khu D tham gia kháng chiến chống Pháp.

Cô gái 16 tuổi trở thành nữ cứu thương của sư đoàn 330 và đã bị thương khá nặng trong một trận càn của Pháp. Năm 1954, Pháp đã buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, cô nữ cứu thương (lúc đó 21 tuổi) tưởng sẽ được trở về nhà với cha mẹ sau 5 năm xa cách thì Mỹ can thiệp vào Đông Dương đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Nữ cứu thương Đỗ Kim Quang cùng các anh em đồng chí tập kết ra Bắc chuẩn bị cho một cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng đất nước.

10 năm trôi qua kể từ ngày con gái rời nhà đi kháng chiến, chờ tin con trong mỏi mòn, vào ngày 8/6/1959 ông Đỗ Văn Cung lúc đó đã 74 tuổi cảm thấy sức khoẻ yếu đi đã mang văn bản chia tài sản đất đai dài 3 trang đã lập từ ngày 15/12/1944 lên Hội Đồng Xã Tân Ba xác nhận đóng dấu một lần nữa để sang tên đất cho ba người con ruột và các cháu để lỡ có chuyện gì xảy đến với mình, khi hoà bình các con trở về có đất để sinh sống.

Hai vợ chồng ông Đỗ Văn Cung đã cùng tất cả gia đình vợ và các con của hai người anh của bà Đỗ Kim Quang mang cùng tờ di chúc chia đất đó lên lập vi bằng chia đất đóng dấu ký tên. (Những người có mặt ký tên vi bằng cùng ông bà Đỗ Văn Cung gồm có: vợ con của người con đầu Đỗ Văn Phú gồm con dâu Tống Thị Trà, cháu nội Đỗ Thị Lang, cháu nội Đỗ Văn Kiểng, cháu nội Đỗ Văn Thêm; vợ con người con trai thứ 2 Đỗ Văn Quí gồm: con dâu Đào Thị Tâm, cháu nội Đỗ Thị Thơ, cháu nội Đỗ Văn Phúc (sau này đổi tên là Đỗ Hữu Đức).

Tất cả văn bản cho và chia đất này đều lăn tay, ký tên và đóng dấu. Trong các văn bản sau này người con gái út Đỗ Kim Quang vẫn được chia hơn 3 ha ở thửa số 137 toạ lạc ở Xã Phước Thành, Biên Hoà. Sau đó ông Đỗ Sinh Cung mất năm 1960.

Trước đó, vào ngày 15/12/1944, ông Đỗ Sinh Cung và bà Châu Thị Xưa đã viết tờ cho và chia đất cho các con có đóng dấu ký tên tại Ty Điền Địa Biên Hoà (nay là Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Những người con có mặt ký tên và lăn tay gồm vợ của người con trai đầu Đỗ Văn Phú là bà Tống Thị Trà làm thủ tục ký nhận thay cho hai đứa con là Đỗ Như Lang và Đỗ Minh Kiển (vì còn nhỏ), con trai thứ hai là Đỗ Văn Quí, ông bà Đỗ Văn Cung và Châu Thị Xưa đứng tên cho con gái út Đỗ Kim Quang vì lúc đó còn nhỏ, 11 tuổi. Người làm chứng trong gia tộc có Đỗ Văn Nượu và Đỗ Văn Phiêu. Con gái út Đỗ Kim Quang được chia hơn 3 ha ở thửa số 137 toạ lạc ở Xã Phước Thành, Biên Hoà.

Đến ngày 25/9/1970 Trưởng Ty Điền Địa Biên Hoà đã ra văn bản đóng dấu công nhận nhận chính thức sang tên đăng bộ đất theo văn bản chia đất cho các con cháu ông Đỗ Sinh Cung - bà Châu Thị Xưa và con gái út xa nhà Đỗ Kim Quang.

Và đến ngày 1/10/1970 Trưởng Ty Điền Địa Biên Hoà đã hoàn tất thủ tục sang tên thông tri, sang bộ, ghi bộ thửa đất cho các con cháu và người con gái Đỗ Kim Quang đứng tên chính thức hơn 3 ha ở thửa số 137 toạ lạc ở Xã Phước Thành, Biên Hoà và thông báo cho Uỷ Ban Hành Chánh Xã Tân Ba, Tân Uyên để cập nhật, điều chỉnh.

Toàn bộ giấy tờ di chúc, bằng khoán sang tên cho con gái bản chính này đã được bà Châu Thị Xưa trao lại cho người con đầu Đỗ Văn Phú cùng hai con là Đỗ Thị Lang và Đỗ Văn Kiểng, trao người cháu nội là Đỗ Hữu Đức. Cô con gái Đỗ Kim Quang nơi phương xa không hề hay biết tất cả những gì diễn ra nơi quê hương mình.

Sau năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, bà Đỗ Kim Quang (khi này đã 42 tuổi) mới trở về sau 26 năm đi kháng chiến, lúc này người cha Đỗ Văn Cung đã mất, người mẹ Châu Thị Xưa đã 90 tuổi rất yếu và không nhớ gì và mất sau đó ít lâu. Bà Đỗ Kim Quang đã đi thuê một căn nhà trọ mái tôn nhỏ ở giữa chợ Tân Ba, Tân Uyên sinh sống nhiều năm. Bà Quang cũng không hề biết cha mẹ của mình có di chúc để lại tài sản cho mình. Tất cả những người biết bản di chúc đã im lặng và bị “lãng quên” 46 năm. Giữa tháng 4/2021, bản di chúc mới được đưa ra cho bà Đỗ Kim Quang vào lúc cuối đời khi đã xấp xỉ 90 tuổi.

Hơn 3 ha đất thừa kế của lão thành cách mạng giờ do ai quản lý?

Diện tích đất hơn 3 ha ở thửa đất số 137, tại Tân Ba (nay là thửa đất số 352, tờ bản đồ số 16 - khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) mà cha mẹ bà Đỗ Kim Quang đã chính thức sang tên, chuyển bằng khoán.

Tuy nhiên, hiện thửa đât đang do 3 người cháu nội của người anh cả Đỗ Văn Phú tên là Đỗ Thị Hồng, Đỗ Văn Văn và Đỗ Văn Quân đứng tên sổ đỏ đất số CV 055754 ký ngày 8/5/2020 do Phòng Quản lý đất đai Tân Uyên - Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương cấp và đang rao bán.

Sổ đỏ này được cấp theo khoản “Đất thừa kế” theo sổ năm 2015 và 1990. Điều đáng nói ở đây là cả ba người đứng tên sổ đều biết đây là đất di chúc của ông Đỗ Văn Cung và bà Châu Thị Xưa đã chuyển tên qua cho bà Đỗ Kim Quang. Trong di chúc thừa kế ông Đỗ Văn Cung đã ghi “là vì người con đầu Đỗ Văn Phú có tính ngỗ ngược, phóng đãng, cờ bạc nên không chia đất mà chia 2 miếng đất khác cho hai người con là Đỗ Thị Lang và Đỗ Văn Kiểng (cha ruột của 3 người đứng tên sổ đỏ khu đất này).

Như vậy theo hồ sơ chia đất, bằng khoán thì cha (Đỗ Văn Kiểng) và ông nội (Đỗ Văn Phú) của 3 người đang đứng tên sổ này không hề được thừa kế khu đất này từ ông Đỗ Sinh Cung và bà Châu Thị Xưa. Vì sao bộ giấy tờ di chúc, chia đất, bằng khoán bản chính có dấu mộc ký tên khu đất 3,072 ha mang tên bà Đỗ Kim Quang lại bị “thất lạc” suốt 46 năm qua có liên quan gì đến việc 3 người cháu này rao bán khu đất này?

Qua giấy tờ còn lại thì miếng đất 3,072 ha thừa kế hợp pháp của bà Đỗ Kim Quang trước kia đã được người mẹ là Châu Thị Xưa cho người cháu gái Đỗ Thị Lang (chị của ông Đỗ Văn Kiểng) mượn làm lò gạch hiện đã bị chia ra 3 phần, ngoài phần đất trống 12.256,7 m2 mặt tiền đường (gồm đất thổ cư và trồng cây lâu năm) do 3 người cháu Đỗ Thị Hồng, Đỗ Văn Văn, Đỗ Văn Quân (con ông Đỗ Văn Kiểng) đứng tên sổ đỏ GCN: CS08791 ngày 8/5/2020 trên thì 564 m2 mặt tiền và 4.000 m2 phía trong cũng đã được người cháu Nguyễn Ngọc Thành con của bà Đỗ Thị Lang lập sổ đỏ năm 1999. Phần đất còn lại chưa rõ ai đang đứng tên.

Ông Đỗ Hữu Đức (sinh năm 1939) cháu ruột của bà Đỗ Kim Quang cho biết: thửa đất số 352, tờ bản đồ số 16 - khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, có diện tích 12.256,7 m2 là của cô ruột Đỗ Kim Quang. Đây là thửa đất nằm trong tổng diện tích 3,072 ha cô được ông nội Đỗ Văn Cung và bà nội Châu Thị Xưa chia thừa kế theo “Tờ cho và chia đất”.

Vào năm 1968, bà Đỗ Thị Lang là con gái của ông Đỗ Văn Phú (anh trai của bà Đỗ Kim Quang) mượn một phần đất để cho cô Đỗ Kim Quang từ ông nội Đỗ Văn Cung để làm lò gạch. Sau đó, ông Đỗ Văn Kiểng (sau đổi tên thành Đỗ Văn Ba) là em trai bà Đỗ Thị Lang cũng về làm chung lò gạch với chị gái. Vào khoảng năm 1971, bà Đỗ Thị Lang chết, ông Đỗ Văn Ba tiếp tục mượn đất sản xuất kinh doanh, ông Đức cho biết thêm.

“Toàn bộ các giấy tờ: Tờ chúc ngôn di tích để lợi cho ngày sau - do ông bà Đỗ Văn Cung và Châu Thị Xưa viết tay; Tờ cho và chia đất - có xác nhận của chính quyền; Tờ “Thông tri sang bộ, ghi bộ hay xóa bộ” - do Ty Điền Địa Biên Hòa cấp ngày 1/10/1970 và một số giấy tờ khác chứng minh thửa đất số 352, tờ bản đồ số 16 - khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là của cô Đỗ Kim Quang đã được gia đình tìm thấy vào đầu năm 2021” - ông Đỗ Hữu Đức cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, sinh năm 1955, con trai của bà Đỗ Thị Lang - người đã mượn phần đất để cho cô Đỗ Kim Quang từ ông nội Đỗ Văn Cung để làm lò gạch sau này là ông Đỗ Văn Ba tiếp tục mượn sử dụng xác nhận: “Sau khi mẹ tôi bà Đỗ Thị Lang chết năm 1971 gia đình làm phụ lò gạch vài năm rồi nghỉ, cậu tôi là ông Đỗ Văn Ba tiếp tục làm lò gạch đến năm 1980 thì nghỉ. Sau khi dừng làm lò gạch, ông Đỗ Văn Ba có ý định sang nhượng thửa đất này nhưng tôi phản đối, không ký cho ông Nguyễn Văn Ba bán đất”.

Sau khi ông Đỗ Văn Ba chết (2/2020) các con của ông có ý định sang nhượng thửa đất nói trên, ngày 15/3/2021, tôi phải làm đơn ngăn chặn gửi UBND phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên và Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nguồn gốc thửa đất số 352, tờ bản đồ số 16 - khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với diện tích 12.256,7 m2 của bà Đỗ Kim Quang mà ông bà nội cho mẹ tôi mượn làm lò gạch từ năm 1968, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết thêm.

Cuối tháng 4/2021, bà Đỗ Kim Quang đã đưa đơn xin xét cấp lại chủ quyền đất thửa đất số 352, tờ bản đồ số 16 - khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. UBND Thái Hòa, thị xã Tân Uyên đã tổ chức hòa giải giữa bà Đỗ Kim Quang và Đỗ Thị Hồng, Đỗ Văn Văn và Đỗ Văn Quân đang đứng tên trên sổ đỏ diện tích đất thừa kế của bà Đỗ Kim Quang nhưng hòa giải không thành.

“Trong buổi hoà giải bất thành, bà Đỗ Thị Hồng - người đứng tên sổ đỏ khu đất 12.256,7 m2 - đã cho biết phần đất còn lại của hơn 3 ha gần 18.000 m2 cũng do ông Đỗ Văn  Cung chia cho bà Đỗ Kim Quang, cũng đang đứng tên ông Đỗ Văn Ba đã bán giấy tay nhưng chưa làm xong giấy tờ chuyển nhượng”.

Trong phần tờ khai đất của ông Đỗ Văn Ba ký ngày 8/1/1998 nói rằng: “Khi giải phóng, cô Chín tôi (tức bà Đỗ Kim Quang) tập kết trở về, bà nội tôi (Châu Thị Xưa) và cô Đỗ Kim Quang có cho tôi được trọn quyền sở hữu - vì trong gia phả tôi là cháu nội gọi cô Chín tôi bằng cô ruột, nên tôi không làm giấy tờ, còn hồ sơ thì thất lạc không có.” Bà Đỗ Kim Quang đã khẳng định vào ngày 7/5/2021 là không hề có chuyện cho, tặng giao đất đó cho ông Đỗ Văn Ba là hoàn toàn không đúng sự thật.

Vụ việc từ góc nhìn của luật sư, ý kiến của chính quyền sở tại sẽ được VOV.VN thông tin tiếp tục./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai
Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

VOV.VN - Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

Mâu thuẫn, bố lập lại di chúc “truất” quyền thừa kế của con trai

VOV.VN - Theo Điều 662 Bộ luật Dân sự 2005, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

Không có di chúc, làm thế nào để nhượng lại tài sản thừa kế?
Không có di chúc, làm thế nào để nhượng lại tài sản thừa kế?

VOV.VN- “Tôi muốn nhượng lại toàn bộ ti sản thừa kế của cha mẹ cho chị gái. Nếu không có di chúc của cha mẹ đẻ để lại, thành ý của tôi có được thực hiện không?”

Không có di chúc, làm thế nào để nhượng lại tài sản thừa kế?

Không có di chúc, làm thế nào để nhượng lại tài sản thừa kế?

VOV.VN- “Tôi muốn nhượng lại toàn bộ ti sản thừa kế của cha mẹ cho chị gái. Nếu không có di chúc của cha mẹ đẻ để lại, thành ý của tôi có được thực hiện không?”

Con riêng của chồng có được hưởng tài sản thừa kế không?
Con riêng của chồng có được hưởng tài sản thừa kế không?

VOV.VN - Theo quy định của pháp luật, con riêng của chồng tôi có được hưởng tài sản thừa kế khi chồng tôi qua đời hay không?

Con riêng của chồng có được hưởng tài sản thừa kế không?

Con riêng của chồng có được hưởng tài sản thừa kế không?

VOV.VN - Theo quy định của pháp luật, con riêng của chồng tôi có được hưởng tài sản thừa kế khi chồng tôi qua đời hay không?