Báo chí châu Âu: EVFTA là cơ hội kinh tế cần nắm bắt sau đại dịch
VOV.VN - Báo chí châu Âu nhận định, EVFTA là cơ hội lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam-EU, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp.
Hãng tin Reuters của Anh có bài viết nhận định những lợi ích của Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu có hiệu lực. Hiệp định này trước mắt sẽ giúp xóa bỏ 2/3 hàng rào thuế quan và sau từ 7-10 năm sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mọi hàng hóa song phương, giúp tạo động lực kinh tế lớn cho Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Reuters cho rằng, Thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội cho lĩnh vực như bưu chính, ngân hàng, tàu biển…. của Việt Nam. Báo này cũng trích dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới nhận định, EVFTA có thể giúp thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 2,4% và xuất khẩu lên 12% vào năm 2030, giúp hàng trăm nghìn người thoát nghèo. Ngân hàng thế giới cho rằng, những lợi ích này sẽ rất cần thiết đối với kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp 2 bên. (Ảnh minh họa) |
Cùng chung quan điểm, ông Pier Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam tích cực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, điều này sẽ là cơ hội để thúc đẩy các lợi ích từ việc đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại.
“Hiệp định EVFTA sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên. Người dân Việt Nam sẽ mua được những sản phẩm chất lượng cao của châu Âu, giá cả phải chăng hơn. Giá trị lợi ích của doanh doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU có tiêu chuẩn cao, sức mua lớn. Sau Covid-19, chúng ta không nên chỉ tập trung vào một quốc gia mà phải là đa dạng hóa. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các quốc gia trong khu vực. Đây là cơ hội mà Việt Nam cần nắm bắt", ông Pier Giorgio Aliberti nói.
“Cơ hội vàng và không được bỏ lỡ” không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực là nội dung nhiều tờ báo Áo hôm qua đề cập.
Trang tin Phòng Kinh tế Áo (WKO) cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có tăng trưởng kinh tế ổn định với năm 2019 đạt trên 7%. Đây là nền kinh tế có tính cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cùng lực lượng lao động trẻ, năng động.
Việt Nam cũng sẽ là trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á. Chính vì vậy, việc phê chuẩn EVFTA mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Áo, ngoài ra còn mở cánh cửa cho các doanh nghiệp Áo tiếp cận thị trường Đông Nam Á.
Đánh giá lợi ích của Hiệp định này, Cựu ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom cho rằng, các nhà đầu tư EU sẽ không bỏ lỡ cơ hội tại Việt Nam: “Liên minh châu Âu là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đầu tư vào Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Với sự bảo vệ toàn diện hơn cho các nhà đầu tư của cả hai bên, tôi chắc chắn đầu tư của Liên minh châu Âu tại Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng đáng kể”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng, có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, định hướng sự chuyển dịch chiến lược chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng theo hướng bền vững, cân bằng hơn cho Việt Nam và các nước thành viên EU.
Trên tờ DW của Đức cũng có bài viết khẳng định, Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam là thỏa thuận thương mại tham vọng nhất của khối với một quốc gia đang phát triển. Sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Báo này cũng nhận định, nếu theo kế hoạch, Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào tháng 8 tới - một thời điểm không thể tốt hơn cho cả hai bên sau đại dịch./.