“Báo chí tự chủ không phải là tự kiếm tiền nuôi nhau“
VOV.VN - Tự chủ là một cơ chế tạo điều kiện cho báo chí hoạt động chứ không phải tự chủ để rồi báo tự đi kiếm ăn, bởi báo chí là báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước.
Báo chí vừa đảm bảo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ còn phải đảm bảo một nguồn kinh phí nhất định để duy trì hoạt động. Đây là bài toán khó đang đặt lên vai những người làm báo, đặc biệt là các tổng biên tập, các lãnh đạo cơ quan báo chí. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn – Giám đốc Cổng Thông tin điện tử - Hội Nhà báo Việt Nam về nội dung này.
PV: Luật thuế đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của báo in từ 25% xuống còn 10%, còn báo điện tử hiện nay vẫn là 25%. Theo ông, mức thuế này đã phù hợp để các cơ quan báo chí tự chủ?
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Trước hết, tôi không có khái niệm báo chí chính thống hay không chính thống. Ở đây tôi muốn nói vai trò của các báo lớn, chủ chốt, tuyên truyền đường lối, pháp luật, chính sách... nên tạm gọi như một số người nói lâu nay.
Câu chuyện đặt ra ở đây, tôi nghĩ phải thay đổi nhận thức về mặt phát triển của báo chí, vai trò của báo chí. Kinh tế báo chí phải đặt ở bài toán nhìn nhận nó thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Báo chí nằm trong khối đơn vị sự nghiệp công về thông tin (trước đây là thông tin văn hóa, sau này là thông tin truyền thông).
Hoạt động của cơ quan báo chí chuyển từ bao cấp sang tự chủ. Nhưng tự chủ phải có lộ trình, phải có bước đi và tự chủ ở mức độ nào, tự chủ toàn phần hay tự chủ một phần… Tự chủ là một cơ chế tạo điều kiện cho báo chí hoạt động chứ không phải tự chủ để rồi báo tự đi kiếm ăn, bởi báo chí ở đây là báo chí cách mạng của Đảng và Nhà nước.
Tôi nghĩ báo chí tự chủ là đúng rồi nhưng phải xác định rõ đơn vị nào tự chủ toàn phần, đơn vị nào tự chủ được một phần và đơn vị nào chưa tự chủ được nhưng vẫn tạo cơ chế để người ta chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Giải quyết bài toán này có hai vấn đề: Thứ nhất, có những cơ quan báo chí được cấp phép mà cơ quan chủ quản không hỗ trợ được gì cả, thậm chí còn đi làm tiền về để nộp cho cơ quan chủ quản.
Thứ hai là có chuyện ngược đời, lẽ ra tôi là phóng viên, CTV viết báo phải hưởng tiền nhuận bút, nhưng có chuyện là người viết báo phải nộp tiền vào mới được đăng. Đây là những câu chuyện lạ đời. Báo chí cách mạng phải có sự định hướng của Đảng, Nhà nước và muốn báo chí định hướng, dẫn dắt dư luận, muốn cho đời sống tư tưởng của Đảng, Nhà nước thống trị, dẫn dắt thì phải hỗ trợ và tạo điều kiện cho báo chí.
Chính vì vậy, quan điểm của tôi là anh tự chủ được bao nhiêu thì phải trên thực tế đánh giá năng lực, nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí ấy thì tự chủ được bao nhiêu, còn bao nhiêu nhà nước phải lo. Nhưng phải ra một cái khung, ví dụ cơ quan báo chí nào có điều kiện tự chủ do chức năng, nhiệm vụ, điều kiện tự chủ tốt, quảng cáo nhiều hơn.. . thì hỗ trợ 30%, phần hỗ trợ đó gọi là phần tôi định hướng, lãnh đạo anh. Còn cơ quan báo chí nào không tự chủ được thì phải hỗ trợ 50-70% để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn |
Hiện nay, nhận thức về tự chủ báo chí chưa rõ. Bởi vì, anh tự chủ thì Nhà nước muốn giao nhiệm vụ cho anh thì phải đặt hàng, thông qua cơ chế đặt hàng, nghiệm thu thanh quyết toán. Cần tạo ra một cơ chế để cơ quan báo chí tự chủ bằng nguồn tiền của ngân sách Nhà nước đặt hàng. Không phải như bây giờ, báo chí cứ đi bám doanh nghiệp, chỗ này chỗ kia, vận động tài trợ, quảng cáo, báo nào quan hệ nhiều, chạy được tài trợ nhiều, có mánh khóe thì làm ăn được, còn anh nào thật thà thì không làm ăn được.
Trong điều kiện hiện nay, để TBT giải bài toán vừa làm đúng vai trò, chức năng của báo chí nhưng đồng thời nuôi được quân là việc rất khó.
PV: Với những phân tích như ông vừa nêu thì việc áp dụng thuế với báo chí có còn cần thiết và phù hợp?
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Quy định về thuế với báo chí hiện nay không còn phù hợp. Nếu có chỉ nên đánh thuế với báo chí chỉ ở mức 5%, với những cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị thì không đánh thuế nữa. Còn nếu vẫn duy trì thì chỉ 5% với báo điện tử còn với báo in thì miễn hoàn toàn vì không còn phù hợp.
Nhà nước chưa có cơ chế rõ ràng để hỗ trợ thì thôi không thu nữa để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Khi đã có hỗ trợ rõ ràng, thấy báo chí ổn định, tự chủ được thì có thể lúc đó đánh thuế với mức mấy phần trăm là được.
Tự chủ báo chí - nên hiểu như thế nào?
PV: Nếu tư duy tự chủ là tự kiếm tiền, tự nuôi được thân thì những tờ báo làm nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước dường như lại đang yếu thế hơn các tờ báo thị trường khác, thưa ông?
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Thực tế đặt ra 2 vấn đề. Những tờ báo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quản lý chặt chẽ, chất lượng đội ngũ làm báo tốt hơn thì lại vấp phải câu chuyện là sản xuất ra những sản phẩm trên sóng phát thanh, truyền hình và các phương tiện khác… nhưng lượng bạn đọc rất ít. Vậy thì sản xuất ra làm gì? Phương pháp công tác tư tưởng của chúng ta đang sai lầm chỗ này. Chính vì những tờ báo không bị kiểm soát, nó không có tính chất chính trị cao, lượng view cao thì doanh nghiệp “nhảy” vào đó.
Ở ta hiện nay đang sai lầm, sản xuất ngốn một lượng kinh phí lớn nhưng lại không ai đọc, hoặc đọc rất ít; có những chương trình truyền hình người ta nhìn thấy ông này, ông kia là khán giá giả chuyển kênh luôn. Vậy thì làm để làm gì?
Câu chuyện thứ hai là những tờ báo của hội, ngành thường bươn chải, quan hệ chỗ nọ chỗ kia, thậm chí dùng thủ đoạn để kéo lợi ích kinh tế về nhiều hơn… Cái này cũng làm thiệt hại cho báo chí chính thống.
Có một câu chuyện nữa là mạng xã hội như facebook, google, youtube… sử dụng nhiều hơn thông tin của báo không chính thống để làm quảng cáo trong khi báo chí chính thống được sử dụng ở những kênh này rất ít.
Vấn đề là sức thuyết phục với bạn đọc, thường thì bao cấp không chịu áp lực như những báo khác, nên báo khác luôn muốn làm mới, thay đổi để giành lấy những thị phần quảng cáo, lượng view cao. Chính vì vậy, anh nói có hay mấy mà người ta không đọc thì cũng không giải quyết được gì. Vấn đề là thông tin ấy có đến với người đọc hay không. Chính vì câu chuyện này, hiện nay báo chí chính thống có những yếu thế, như thông tin không nhanh bằng báo khác.
Phóng viên VOV.VN tác nghiệp trên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa |
Những tờ báo chính thống có thể có quan hệ lâu với đơn vị nên người ta có sự tin cậy, có trách nhiệm. Nhưng nguyên nhân chính là người ta thấy những báo này “vô hại”, vì thông tin trên những tờ báo này “lành” chứ không chọc ngoáy như những báo khác. Còn các báo khác nếu không đáp ứng yêu cầu thì tìm mọi thủ đoạn để “chọc ngoáy”, thậm chí còn đánh hội đồng, bắc cầu từ việc nọ sang việc kia, thậm chí là còn kết hợp với những cộng tác viên không phải là nhà báo, những thành phần xã hội bất hảo để làm những việc thu tiền cho cơ quan báo chí. Vì thế mà báo chính thống họ không sợ mà sợ những báo lá cải…
Các ông Bộ trưởng, Thứ trưởng có thể gọi can thiệp với các tờ báo chính thống được nhưng các tờ báo kia cơ quan chủ quản là những hội rất “hiếm, lạ”, mà được Bộ TT&TT cấp phép, thậm chí có những trang TTĐT do Sở TT&TT cấp. Về mặt pháp lý, giấp phép báo chí, tạp chí, trang thông tin khác nhau… nhưng về mặt công nghệ, kỹ thuật thì giống nhau. Nếu đăng thông tin lên mạng thì ảnh hưởng như nhau. Chính vì vậy cần phải lưu tâm đến quản lý, kiểm soát báo chí.
Việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí Toàn quốc đến năm 2025 vừa được Thủ tướng phê duyệt là điều kiện, cơ hội điều chỉnh chính sách thuế, để bảo đảm báo chí tự chủ tốt hơn như tôi nói ở trên.
PV: Áp thuế thì đặt gánh nặng lên vai những ông chủ báo. Vậy theo ông, một tờ báo có dễ dàng làm tròn nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế?
Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Phải phân biệt, nếu báo chí chỉ đi làm rồi nộp thuế thì giống như một công ty truyền thông. Nhưng nếu không có chức năng kinh tế mà chỉ làm nhiệm vụ chính trị thì nó lại trở về thời kỳ khác. Cả hai xu hướng đó đều không tốt. Xu hướng tốt nhất là Nhà nước phải hỗ trợ để báo chí tự chủ được bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, doanh nghiêp.
PV: Những tờ báo chính thống thường có vùng cấm rộng và nghiêm ngặt. Đây có phải lý do khiến báo chính thống khó thu hút bạn đọc, khó thu hút quảng cáo?
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Thực tế đang đặt ra những vấn đề khiến báo chí chính thống đang yếu thế. Vì vậy, phải đảm bảo các tờ báo này phải tự chủ được bằng cách Nhà nước phải bằng mọi biện pháp để hỗ trợ bằng đặt hàng… để có nguồn thu tự nuôi nó. Đồng thời, các tờ báo này cũng phải luôn tự đổi mới, làm mới mình để theo kịp với thị hiếu chung của bạn đọc.
Mỗi tờ báo phải có bản lĩnh rõ ràng, phân biệt được cái nào là thông tin phản biện. Hiện nay, báo chí đang có dấu hiệu lệch pha đối với mạng xã hội. Một số báo chí có ưu thế hơn thì có cùng nhịp thở với MXH, còn báo chí chính thống đang lệch pha với MXH, chưa thở hơi thở của MXH, trừ những thông tin chống phá, phản cảm, bị cấm… thì lẽ ra báo chí phải cùng MXH làm sâu hơn những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm.
Thế nhưng, các cơ quan báo chí ấy vẫn có tình trạng chung chung, nhìn ngó thái độ ông này, ông kia mà không thẳng thắn phản biện thực sự để theo kịp hơi thở của MXH. Đây chính là sự lãng phí trong việc đầu tư sản xuất một lượng lớn thông tin mà ít người đọc. Bởi vậy, anh sử dụng ngân sách đó để làm mới mình, bắt nhịp với MXH, phản biện, nêu sự thật. Ở đây, tư duy của đội ngũ làm báo còn cứng nhắc. Qua các cuộc họp, tiếp xúc tôi thấy không ai nói lên câu chuyện này.
PV: Ông làm báo qua hai thời kỳ bao cấp và mở cửa thị trường. Ông có sự so sánh như thế nào?
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hòa Văn: Mỗi thời có một đặc điểm. Thời làm báo truyền thống thì xã hội có một niềm tin, sự yêu Đảng, yêu chế độ cùng với yêu nước. Niềm tin đối với thể chế rất vững vàng và người ta muốn phát huy tất cả giá trị truyền thống, muốn bảo vệ nó.
Còn thời kỳ bây giờ, xã hội đang khủng hoảng về niềm tin. Đất nước mình thì an ninh trật tự tốt, nhưng an ninh tư tưởng, tâm trạng xã hội lại đang khủng hoảng. Trước đây là hướng tâm, còn bây giờ đang phân tâm. Khủng hoảng này đang có sức lay động không thể xem thường được. Đây là một câu chuyện lớn, câu chuyện suy thoái, tham nhũng, tự diễn biến tự chuyển hóa, rồi những câu chuyện về hệ tư tưởng đang đấu tranh giằng xé quyết liệt.
Làm báo bây giờ lại khó khăn, thử thách, khốc liệt hơn trước rất nhiều vì chịu rất nhiều áp lực. Áp lực kinh tế để nuôi sống cán bộ, nhân viên, áp lực về mặt công nghệ; các thành phần trong xã hội không ổn định, niềm tin không như trước, bị phân hóa, trong bộ máy công quyền cán bộ suy thoái cũng đông hơn trước nên có những điều ứng xử với báo chí không được thuận lợi vì thế mà thử thách, khó khăn hơn nhiều.
Thế nhưng, nó cũng có những cái thuận lợi hơn, đó là sự phát triển về công nghệ, tư duy trình độ của các bạn trẻ làm báo, cập nhật vấn đề trong nước – thế giới thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng cái cam go, thử thách của người làm báo nếu anh không có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp thì dễ sa ngã. Đấy là câu chuyện khó so sánh nhưng nhận thức của tôi, tôi thấy như thế.
PV: Xin cảm ơn ông./.