“Bão giá” sâm Ngọc Linh chưa biết hồi nào tan
VOV.VN - Giá sâm củ thời gian gần đây tăng quá cao nhưng chưa hề có bất cứ đơn vị nào đứng ra kiểm soát.
Sâm Ngọc Linh rất quý hiếm và giá bán ngày càng tăng trong khi việc kiểm soát thị trường này bị bỏ ngỏ. Đã có tình trạng sâm giả trà trộn vào các phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng làm cho người mua không yên tâm.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam diễn ra vào đầu tháng 1 này thu hút hơn 1.200 lượt người đến tham quan, mua sắm, thu gần 5 tỷ đồng. Trong đó, riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được 60 kg, thu gần 4,5 tỷ đồng. Theo con số thống kê của huyện, bình quân mỗi kg sâm chưa đến 75 triệu đồng, nhưng trên thực tế, giá sâm tại chợ thấp nhất cũng trên 90 triệu đồng/kg.
Bà Trương Thị Lương cho biết, giá sâm mỗi ngày mỗi tăng. |
Bà Trương Thị Lương bán sâm tại phiên chợ cho biết, mấy phiên chợ trước sâm củ loại 2 có giá 100 triệu đồng/kg thì phiên chợ này tăng lên 120 triệu đồng/kg. Giá sâm củ loại 1 cũng tăng từ 200 triệu đồng lên 220 triệu đồng/kg.
“Sâm củ có trọng lượng trên 150g bữa nay tăng giá bán thêm 40 triệu đồng/kg/7 củ. Còn loại củ 100g tăng đã lên 240 triệu đồng/kg, trong khi mấy phiên chợ trước chỉ có giá 200 triệu đồng/kg”, bà Lương cho biết.
Giá sâm củ tăng quá cao nhưng hiện nay chưa hề có đơn vị nào đứng ra kiểm soát giá. Hệ quả là phiên chợ mỗi ngày một vắng khách. Các mặt hàng “ăn theo” phiên chợ cũng ế ẩm.
Tại phiên chợ lần này, ngoài 2 gian hàng trưng bày, giới thiệu sâm Ngọc Linh do 8 hộ trồng sâm ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My tham gia còn có hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như quế Trà My, các loại cây dược liệu của 10 xã trên địa bàn.
Ngoài ra, phiên chợ còn có các gian hàng trưng bày, quảng bá, mua bán các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) của huyện Nam Trà My.
Chị Trần Thị Ý Phi, quê ở tỉnh Quảng Trị, bán sâm tại phiên chợ cho biết, do lượng khách mua giảm nên số sâm không bán được chị đem về bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, chờ đến phiên chợ đầu tháng sau đem ra bán.
“Giá sâm năm nay cao gần gấp đôi so với năm ngoái. Cơ quan chức năng cần có hoạt động bình ổn giá, không thể cứ thả nổi như hiện nay. Những cá nhân kinh doanh hiện nay vẫn chỉ mua đi, bán lại và buôn bán thì phải có lời”, chị Ý Phi cho biết.
Vấn đề mà những người đi mua sâm đều lo lắng, đó là dù bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng nhưng không biết có mua đúng sâm ở vùng núi Ngọc Linh hay không. Bởi trước đây, lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ bán sâm giả. Trong đó, có 1 vụ, 2 đối tượng mang sâm giả vào định bán trong phiên chợ sâm Ngọc Linh bị phát hiện. Lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy hơn 12kg lá sâm; hơn 11 kg sâm củ.
Anh Hồ Văn Giang, công an xã Trà Linh, tham gia Tổ kiểm định sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, Tổ có 5 người thường xuyên canh gác ngay ở lối vào phiên chợ. Tuy nhiên, việc kiểm định sâm thật hay giả chủ yếu bằng mắt thường cộng với kinh nghiệm dân gian chứ chưa được trang bị máy móc.
“Hiện tại máy kiểm định sâm chưa có nên tổ kiểm định đang đề xuất mua. Xác minh sâm hiện nay vẫn chỉ thông qua quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm phân biệt bằng hình dáng, thân, lá và mùi vị đặc trưng của sâm”, anh Giang cho biết.
Củ sâm loại lớn có giá hơn 200 triệu đồng/kg. |
Tuy giá sâm cao ngất ngưởng như vậy nhưng không phải người trồng sâm nào ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng giàu. Hiện đã có hàng ngàn hộ gia đình tham gia trồng sâm nhưng “tỷ phú” vùng sâm thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, do địa phương mới tập trung phát triển vùng dược liệu sâm Ngọc Linh trong khoảng 10 năm trở lại đây nên số lượng sâm từ 10 năm tuổi trở lên khan hiếm.
“Giá sâm xưa nay vẫn được giao dịch thuận mua vừa bán giữa khách hàng với các cơ sở kinh doanh. Về kiểm định chất lượng, đến giờ phút này tỉnh đã đầu tư hỗ trợ cho hệ thống máy nhưng mới tổ chức đấu thầu. Hiện nay, huyện đang xây dựng trung tâm để đưa vào kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh”, ông Mẫn cho biết.
Giá sâm tăng cao cũng dẫn đến tình trạng người dân Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ồ ạt bán sâm non. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân không bán giống sâm ra bên ngoài mà tự tạo giống tại 54 chốt sâm. Một số chủ vườn sâm thuê nhân công địa phương không phải trả công bằng tiền mà bằng cây sâm non. Đây cũng là cách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh trước tình trạng “bão giá” sâm như hiện nay./.
Là dược liệu quý, nhưng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum vẫn gặp khó