Bao giờ hết cảnh thừa thãi nông sản, mất tiền thuê chở để bỏ đi?
VOV.VN - Nông sản Việt rớt giá còn vài nghìn đồng, rẻ như cho, phải đổ bỏ hay cho gia súc ăn vì thừa cung, trong khi đầu ra thì bế tắc không phải là mới những năm gần đây.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, hết su hào, bắp cải, cà rốt rồi ổi, hoa tươi... và mới đây nhất là củ cải trắng, cà chua “đua” nhau rớt giá thảm hại. Nhiều nơi nông dân phải bán nông sản với giá từ 500-1.000 đồng/kg, thậm chí phải đổ bỏ xuống sông vì không có người mua. Nguyên nhân không chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh mà tình trạng này đã diễn ra nhiều năm và người dân vẫn loay hoay chưa biết làm cách nào để giải quyết. Mà là thiếu mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất – tiêu thụ là một nguyên nhân khiến người nông dân cứ cặm cụi trồng, nhổ bỏ rồi mùa sau lại trồng. Để rồi, sẽ còn có nhiều vụ bà con nông dân lại trắng đêm lo đầu ra cho nông sản như câu chuyện đang xảy ra ở một số địa phương.
Chiếc xe tải chở củ cải trắng từ 4 sào ruộng nhà chị Hoàng Thị Dung, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội không phải chở ra trung tâm thành phố bán như những vụ trước mà là đem đổ bỏ. Ngược lại với niềm vui khi vụ trước đem lại thu nhập cả chục triệu đồng thì vụ này gia đình chị không chỉ thất thu mà còn mất thêm gần 3 triệu đồng thuê xe đem củ cải đi đổ.
Chị Dung cho biết thiệt hại cho vụ củ cải này lên đến hơn 20 triệu đồng. "Công lao giống vốn giờ là đổ hết đi, không làm gì được. Rau thì già quá, xốp rồi chỉ vứt đi...".
Hiện nay, để trồng được 1ha ta rau sạch, người nông dân phải đầu tư bình quân hơn 70 triệu đồng cho hệ thống cột, lưới, sử dụng các chế phẩm sinh học, hệ thống tưới tiêu theo những quy định khá khắt khe và mất rất nhiều công sức. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm này lâu nay rất khó khăn, chưa có đơn vị bao tiêu thu mua sản phẩm tập trung, khiến người trồng phải tự xoay sở mang đi bán lẻ khắp nơi.
Là người nhiều năm tham gia làm rau sạch, anh Nguyễn Đức Hưng, ở Song Phương, Hà Nội cho biết, chính việc chi phí sản xuất cao, đầu ra gặp khó, đã khiến nhiều người không còn mặn mà với mô hình rau sạch.
"Cả một khu này là rau sạch, cải bắp và su hào, tôi gọi người thu mua tới nhưng họ không mua, nên đành phải tự đi bán lẻ. Đợi người mua thì mình chết, tôi phải đi các chợ bán. Người trồng khổ ở chỗ đó, không có một cam kết gì với người mua, chỉ nói mồm với nhau. Ai cũng muốn làm để đưa người ta, nhưng có lấy đâu" - anh Nguyễn Đức Hưng chia sẻ.
Câu chuyện của gia đình chị Dung và gia đình anh Hưng là tình trạng chung của nhiều hộ nông dân thời gian gần đây. Nông sản Việt rớt giá còn vài nghìn đồng, rẻ như cho, phải đổ bỏ hay cho gia súc ăn vì thừa cung, trong khi đầu ra thì bế tắc không phải là mới những năm gần đây. Không mới nhưng vì đâu mà người nông dân vẫn rơi vào cảnh điêu đứng vì phải vứt bỏ sản phẩm của mình?
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết sản xuất và kết nối sản xuất với tiêu thụ là điều tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững nhưng hiện tồn tại hai vấn đề khó nhất là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định và nhận thức của người tham gia liên kết.
"Ngay trong sản xuất hiện nay vấn đề liên kết có thể khẳng định là tất yếu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Hai vấn đề khó trong liên kết. Thứ nhất là sự chưa tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác. Thứ hai là xây dựng các chuỗi giá trị, đặc biệt là vùng nguyên liệu để đảm bảo cho sự liên kết" - ông Trần Thanh Nam cho biết.
Như vậy, một thách thức đối với ngành nông nghiệp hiện nay là làm thế nào để gắn kết được sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo được chất lượng, mẫu mã và đảm bảo vị thế sản phẩm của Việt Nam. Đồng thời, hợp đồng trách nhiệm giữa đôi bên, cơ bản cần đảm bảo được lợi ích của các bên tham gia cũng là một vấn đề được doanh nghiệp và hộ nông dân quan tâm. Từng bước làm minh bạch hóa thị trường nông sản an toàn và chuỗi liên kết sẽ đảm bảo phân phối các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng và tiến tới xuất khẩu. Khi đó, cảnh “được mùa là giải cứu” với hàng nông sản sẽ dần chấm dứt./.