Bảo quản nông sản sau thu hoạch đang là bài toán khó
VOV.VN - Điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa có thói quen sản xuất bài bản nên gặp nhiều trở ngại việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cuối năm nay, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với đó, một số hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị ký kết như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc... mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này được dỡ bỏ. Bên cạnh những thuận lợi mà nông sản Việt Nam được hưởng lợi thì còn nhiều khó khăn và thách thức khác sẽ phải đối mặt. Trong đó, chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu và việc bảo quản nông sản sau thu hoạch đang là bài toán khó.
Chất lượng sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu và việc bảo quản nông sản sau thu hoạch đang là bài toán khó.(Ảnh minh họa: KT) |
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện sản phẩm có nhiễm chất kháng sinh vượt mức cho phép đối với thịt là 6,8%, thủy sản 1,24% và rau là 5,4%... Những con số này cho thấy tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức cao.
Sắp tới, hàng loạt mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế theo cam kết của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, trong điều kiện tự do cạnh tranh, thuế suất nhập khẩu, xuất khẩu đều về mức 0%, mặt hàng nào đạt chất lượng cao, an toàn, giá thấp sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, điểm yếu của không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa có thói quen sản xuất cũng như đầu tư cho sản xuất một cách bài bản, nên gặp nhiều trở ngại trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các ngành hàng của Việt Nam nói chung, đặc biệt là các ngành hàng nông sản, thực phẩm, gỗ nói riêng muốn đứng vững ở thị trường nội địa, hay chinh phục thị trường nước ngoài thì ngành nông nghiệp cần có chiến lược, giải pháp mới trong sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển phù hợp với đặc điểm thị trường, nhu cầu của thị trường.
Mặc dù là một nước nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị kim ngạch cao nhưng do sản xuất thủ công, manh mún nên Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu. Trong đó, lượng thuốc bảo quản vượt mức cho phép là điều đáng lo ngại, ảnh hưởng đến uy tín của các loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nông sản nhập khẩu cũng đang làm nhiều người dân lo lắng vì không có một hàng rào đủ mạnh để kiểm soát về chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng: “Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, chưa quan tâm đúng mức tới quy trình kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Chúng ta phải xem lại cách thức nuôi trồng. Khi đã đi vào các thị trường xuất khẩu đòi hỏi khắt khe và có sự kiểm soát chặt chẽ thì những quy trình này mang tính bắt buộc. Nếu các doanh nghiệp buông lỏng công tác kiểm dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm thì rất dễ bị cấm không cho nhập khẩu vào đất nước họ. Đây là vấn đề về kỹ thuật nuôi trồng”.
Để tiêu thụ nông sản bền vững, bảo quản sau thu hoạch là một trong những vấn đề quan trọng mà cả người sản xuất và doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hoa quả nói riêng và các sản phẩm nông sản khác nói chung mỗi khi vào vụ, bởi công nghệ bảo quản sau thu hoạch và năng lực sơ chế còn hạn chế; chưa hình thành được hệ thống sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản; chưa có mối quan hệ liên hoàn giữa sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ rau quả trên thị trường.
Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khắc phục những yếu kém hiện nay, cần đầu tư bài bản và có chính sách cụ thể cho nông sản sau thu hoạch, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch. Hiện nay, đang áp dụng một số công nghệ như: GAP, bảo quản theo công nghệ của Israel cũng đang được áp dụng. Ngoài ra, Cục bảo vệ thực vật đang cố gắng tìm hiểu và đưa vào để sử dụng các loại thuốc bảo quản để kéo dài thời gian sau thu hoạch của các loại sản phẩm./.