Bảo tồn cầu Long Biên: Loanh quanh tính chuyện thiệt hơn
VOV.VN - Nhà quản lý vẫn nói bảo tồn di sản phải hài hòa với phát triển nhưng trên thực tế lợi ích kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu.
Cầu Long Biên - cây cầu di sản đã sống chung với từng hơi thở của Thủ đô Hà Nội qua những giai đoạn thăng trầm, những biến cố của lịch sử dân tộc. Bạn hãy thử một lần chầm chậm đi theo con đường dốc chân cầu đầu phố Hàng Đậu đi qua bên kia cầu rồi vòng lại qua phố Long Biên trở về trung tâm xuôi xuống đường dốc dẫn vào đường Trần Nhật Duật. Những xúc cảm trào dâng xen lẫn tự hào về cây cầu đi cùng năm tháng “một thời đạn bom, một thời hòa bình” của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ này, câu chuyện về việc Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Khoan nói về việc đúng - sai trong câu chuyện này, hãy lật lại sự việc về cách bảo tồn của thành phố Hà Nội đối với những vấn đề bảo tồn nhạy cảm liên quan đến giao thông và di sản gần đây để cùng suy ngẫm.
Hiện đang có 3 phương án làm mới cầu đường sắt tác động đến cầu Long Biên. (Ảnh: Internet) |
Khi con đường Kim Liên - Xã Đàn được mở, vấn đề nảy sinh giữa bảo tồn di sản với phát triển hệ thống giao thông được đặt ra và cuối cùng đi đến thống nhất hóa giải bằng một khu vực đánh dấu Đàn Xã Tắc ở ngay tại vị trí ngã ba Xã Đàn-Nguyễn Lương Bằng.
Tưởng như câu chuyện đã dừng ở đó thì đến cuối năm 2013, câu chuyện giao thông và di sản lại được xới lên bởi việc xây dựng cầu vượt nhẹ giải quyết nút giao thông quan trọng của Thủ đô mà Đàn Xã Tắc lại là trung tâm.
Vấn đề tốn giấy mực này đã được giải quyết bởi rất nhiều hội thảo xin ý kiến và bàn bạc thông qua việc các chuyên gia, nhà khoa học và các cấp quản lý thống nhất với nhau. Có thể thấy bảo tồn và phát triển đi liền với nhau nhưng cũng cần phải có sự đồng thuận từ nhiều phía bởi có quá nhiều lợi ích cần có quyết định hài hòa.
Cũng trong năm 2013, câu chuyện về việc xây dựng nhà đặt máy thí nghiệm trong khuôn viên trường Đại học Dược gây xôn xao giới kiến trúc sư và sử học về ảnh hưởng của công trình xây mới tới không gian kiến trúc cảnh quan của công trình di sản có vị trí nhất định không chỉ trong nước mà còn có sự quan tâm của bạn bè quốc tế.
Sự việc có lẽ sẽ còn nhiều vấn đề nếu không có sự thống nhất giữa một bên là dư luận và một bên là chủ sở hữu cùng với cơ quan quản lý. Như vậy trong câu chuyện về phát triển và bảo tồn của thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều vấn đề mà quan trọng nhất chính là sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan đáng ra phải thực hiện ngay từ ban đầu.
Những người dân, các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan tới bảo tồn di sản không thể chấp nhận việc mình chỉ là người bày tỏ quan điểm còn việc thực thi là chuyện của các cấp quản lý, những nhà đầu tư luôn coi lợi ích kinh tế là hàng đầu.
Khi nói về vấn đề bảo tồn di sản, chúng ta luôn đưa ra các tiêu chí và nói với bạn bè thế giới rằng phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhưng thực tế đã chứng minh lợi ích kinh tế đang được đặt ra trước tiên.
Hãy xem những bài học ở các nước phát triển đã làm: Người Nhật luôn luôn coi trọng những yếu tố nguyên gốc, coi đó là yếu tố quan trọng nhất trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; người Pháp sẵn sang chi hàng triệu Franc để bảo tồn nguyên trạng các công trình do người Pháp thiết kế, xây dựng ở Hà Nội nói riêng và ở các nước thuộc địa nói chung; mặt khác xin hãy nhớ rằng người Đức đã từng bị tước danh hiệu của UNESCO chỉ vì xây mới công trình ảnh hưởng tới khu di sản đã được công nhận.
Về các phương án được đưa ra của Bộ GTVT, tác giả xin không bình luận mà đưa ra hai quan điểm của những người đã, đang và sẽ theo con đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng cẩn trọng, hài hòa nhất. Giáo sư Hoàng Đạo Kính - Nguyên Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam đã từng nói việc di chuyển một yếu tố gốc hiện hữu tới một vị trí khác vô hình chung tạo ra một “yếu tồn” mới.
Theo cách hiểu của tác giả đây là việc làm phá vỡ yếu tố gốc trong sự soi xét về không gian và thời gian, trái với luật di sản và các khuyến nghị của UNESCO. Một người khác cần được nhắc tới bởi luôn trăn trở với bảo tồn di sản là KTS. Hoàng Thúc Hào mới đây đã đưa ra quan điểm “phương án bảo tồn tốt nhất là bảo tồn nguyên trạng”. Theo KTS Hào “cần thận trọng và tôn trọng di sản. Kể cả những cái đã mất đi cũng chính là giá trị tự thân của di sản, chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của di sản”.
Hà Nội đang vận động không ngừng, chuyển mình theo xu hướng phát triển của thế giới. Chúng ta đã từng có những quyết định vội vàng trong quá khứ nhưng cũng có những quyết định đúng đắn bằng chứng là việc di chuyển vị trí Trung tâm hội nghị quốc gia định xây dựng mới trên khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với những giá trị nổi bật toàn cầu mà ngày nay đã được công nhận là một phần trong khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.
Hãy xem lại những thước phim, hình ảnh về Festival cầu Long Biên năm 2010 để thấy rằng nếu biết cách bảo tồn, phát huy thì giá trị và lợi ích không chỉ nằm ở những con số tiền tỷ hay nghìn tỷ đồng .
Chậm một bước nhưng đem lại lợi ích cho thủ đô, đất nước và cả thế giới về giá trị văn hóa, chính trị và xã hội là điều mà tất cả những ai quan tâm, yêu mến và trân trọng giá trị di sản cầu Long Biên mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét, thống nhất vào lúc này. Bây giờ hoặc không bao giờ!
Xin trích lời bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO thay cho lời kết: “…không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau vĩ đại hơn một Di sản”./.