Bất động sản Việt vẫn hút mạnh vốn ngoại, nhiều dự án nghìn tỷ đổi chủ
VOV.VN -Kể từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hút mạnh vốn FDI, nhiều dự án nghìn tỷ đã đổi chủ vào tay nhà đầu tư ngoại.
Nửa đầu năm 2017, hoạt động thu hút vốn đầu tư và nhiều thương vụ chuyển nhượng trên thị trường bất động sản Việt Nam khá sôi động, thể hiện thị trường vẫn rất có sức hút.
Nhiều "ông lớn" vốn ngoại mở hầu bao để chiếm thị phần
Báo cáo tình hình đầu tư thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2017 do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong thời gian qua, sự tăng trưởng khách du lịch nhanh chóng đã tạo đà phát triển lớn cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Ngoài ra, trong quý đầu tiên của năm 2017, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chứng kiến những hoạt động đầu tư sôi nổi ở nhiều phân khúc.
Hàng loạt dự án BĐS nghìn tỷ mới đổi chủ (ảnh minh họa: KT)
Một trong những giao dịch nổi trội là việc mua lại khu đất dự án thương mại 0,6-ha ở vị trí đắc địa trong khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích xây dựng dự án phức hợp quốc tế loại A đầu tiên tại Việt Nam của tập đoàn CapitaLand. Dự án này sẽ nhận giải ngân từ quỹ đầu tư 500 triệu USD nhắm tới các tài sản thương mại ở Việt Nam, được triển khai bởi nhà phát triển Singapore này vào tháng 11 năm ngoái.
Trong cùng kỳ, CapitaLand cũng đã công bố việc mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền, một trong những khu dân cư được ưa chuộng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển hơn 300 căn hộ. Động thái này thể hiện chiến lược mở rộng tiềm năng phát triển mảng nhà ở tại Việt Nam của chủ đầu tư này.
Một nhà phát triển khác của Singapore là Keppel Land đã chi 846 tỷ VND (khoảng 37 triệu USD) để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre của họ tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 3 vừa rồi, Hongkong Land đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở một khu vực dân cư phổ biến khác của thành phố, Tập Đoàn đầu tư An Gia và đối tác Creed Group của họ đến từ Nhật đã tiếp tục “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của tập đoàn Van Phát Hưng, với giá trị 910 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD).
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, theo sau những tín hiệu tích cực trong ngành du lịch là việc tập đoàn Berjaya Land (Malaysia) đã thành công chuyển nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần đang nắm giữ trong một dự án khu nghỉ mát 4 sao trên đảo Phú Quốc cho Sulyna Hospitality với tổng giá trị 14,65 triệu USD.
Ngành du lịch Việt Nam đã có một khởi đầu khá tốt đẹp năm nay, với khoảng 3,2 triệu lượt khách quốc tế vào quý I, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này được tiếp nối con số kỷ lục của năm 2016, khi Việt Nam chào đón hơn 10 triệu khách du lịch quốc tế và dự kiến lên đến 11, 5 triệu vào cuối năm 2017.
Những điểm đến ven bờ biển đóng vai trò thật sự quan trọng trong việc thu hút đại đa số du khách từ nhiều quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thiện tiềm năng du lịch của mình trong thời gian tới, vì sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói”.
Tiềm năng lợi nhuận lớn...
Những động thái trên càng cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang rất thu hút nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Theo Khảo sát Dự định Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 do CBRE mới công bố, mặc dù các nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương không có ý định đầu tư nhiều hơn vào bất động sản như năm trước, họ vẫn có nhu cầu rất lớn đối với các loại tài sản rủi ro cao nhờ vào lợi nhuận tiềm năng. Theo CBRE, 37% người được hỏi cho biết “theo đuổi chênh lệch lợi suất” là động lực chính của việc đầu tư vào bất động sản, tăng so với con số 15% năm 2016.
Đối với thị trường Việt Nam, CBRE cho rằng, sự quan tâm đến thị trường Việt Nam gia tăng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng vĩ mô và lợi suất ban đầu cao. Cách thức thâm nhập điển hình chủ yếu dựa trên hình thức liên doanh với những chủ đầu tư trong nước.
Thực tế diễn ra trên thị trường thời gian qua đã phần nào chứng minh nhận định trên là đúng. Ông Tom Moffat, Giám đốc Điều hành Bộ phận Thị trường vốn, CBRE châu Á, nhận xét: Mặc dù sự quan tâm đến thị trường nước ngoài vẫn mạnh mẽ, nhưng sự thiếu ổn định về chính sách ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ khiến nhiều nhà đầu tư ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ chú trọng hơn đầu tư nội khu vực.
"Điều này vẫn nằm trong xu hướng gia tăng đầu tư xuyên biên giới ở Châu Á năm 2016. Trong khi Úc và Nhật Bản tiếp tục là những điểm đến đầu tư được ưa thích nhất, các thị trường châu Á mới nổi, đặc biệt là Việt Nam, đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.”
Cập nhật mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn trong các lĩnh vực được đầu tư. Cụ thể, lũy kế đến 20/5/2017, các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,73 tỷ USD (chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút được vốn FDI.
Riêng 5 tháng đầu năm nay, vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam cũng đứng thứ 4 trong các lĩnh vực có vốn FDI, với 27 dự án cấp mới, vốn đăng ký cấp mới 384 triệu USD, có 10 dự án tăng vốn đầu tư; 49 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị gần 174 triệu USD. Do đó, 5 tháng qua, FDI đăng ký vào BĐS đạt 560 triệu USD. Tính ra, bình quân mỗi ngày hơn 3,7 triệu USD vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS Việt Nam./.
Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại
Giải pháp tài chính tốt nhất khi mua bất động sản Hà Nội 2017
Bất động sản cao cấp giảm giá để tăng tốc bán hàng