Bất cập trong quản lý, sử dụng đất khiến doanh nghiệp Nhà nước điêu đứng
VOV.VN - TP.HCM sẽ có những chỉ đạo rà soát lại thực tế sử dụng đất trên địa bàn, rà soát lại việc đất DNNN bị chồng lấn, việc thu hồi đất trả lại của các DNNN sẽ được thực hiện theo Nghị định 167 năm 2017 của Chính phủ.
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại TP.HCM đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến đất đai. Những quy định về quản lý đất, sử dụng đất đang làm không ít DN có thể rơi vào tình trạng phải giải thể. Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị đối thoại giữa DN và chính quyền TP.HCM tổ chức ngày 9/8.
Những tồn tại làm khổ DNNN
Bà Trương Thị Hương Giang, Kiểm soát viên của Tổng Công ty Công nghiệp - In - Bao bì Liksin (Tổng Công ty Liksin) cho biết, có quá nhiều vấn đề về đất đai đang làm DNNN khốn khổ, trong đó những vấn đề nảy sinh về thuê đất có thể giết chết DN. Theo bà Hương Giang, ở một số DNNN, trước đây hợp đồng thuê đất với diện tích đất thực tế sử dụng có sự khác nhau vì có sự chồng lấn. Để nộp tiền thuê đất đúng với diện tích đất sử dụng, DN đã làm đơn xin điều chỉnh, song có lẽ những lá đơn này chưa đến được bàn làm việc của lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT), nên đến nay tồn tại này vẫn chưa được giải quyết.
Bà Hương Giang cũng cho hay, trước năm 1997, DNNN được giao đất, có DN trả tiền thuê đất với giá vài ngàn đồng/m2, có DN không phải đóng tiền. Nay DN làm đơn xin điều chỉnh giá và làm đơn xin nộp tiền thuê đất, nhưng cũng không được chấp thuận. Theo Luật đất đai, thời điểm xác định giá đất là thời điểm lập hội đồng thẩm định giá. Có nghĩa là để càng lâu, giá thuê đất càng cao và DN sẽ không đủ tiền nộp tiền thuê đất. Nếu tình trạng này không được giải quyết, nhiều DNNN ở TP.HCM sẽ phải giải thể.
Lấy một ví dụ cụ thể về những bất cập trong quản lý đất đai đối với các DNNN, bà Hương Giang cho biết, ở Tổng Công ty Liksin có 1 công ty liên kết từng thuộc DNNN đã được cổ phần hóa. Công ty được Nhà nước thu hồi mặt bằng sử dụng và nhường mua một mặt bằng khác. Nhưng họ không có tiền mua nên bán cho đối tượng khác. Đơn vị này đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước nhưng lại không được nhận chuyển nhượng vì vướng quy định của pháp luật. Hoàn cảnh éo le này khiến công ty liên kết của Tổng Công ty Liksin rơi vào tình trạng nợ tiền thuê đất ngày càng nhiều.
“DN không có tiền để nộp tiền thuê đất và không được quyền cho thuê mặt bằng vì họ không có chức năng kinh doanh bất động sản. DN tất nhiên cũng không được chết, bởi thông báo 1 DN chết đi thì phải được chủ nợ đồng ý. Bên mua đất đã nộp vào ngân sách nhà nước, họ bảo trả nợ xong mới đồng ý cho giải thể nhưng DN không trả. Tiền họ đã nộp vào ngân sách nếu không bán thì trả lại, nhưng cơ quan Nhà nước không giải quyết”, bà Giang dẫn chứng.
Vấn đề đất đai cũng được đặt ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Văn hóa Sài Gòn. Bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Tổng Công ty này cho hay, phương án xử lý nhà đất của đơn vị được thực hiện theo Nghị định 09. Hồ sơ xin thuê đất, dự án tổng thể của tổng công ty được UBND TP.HCM phê duyệt. Năm 2010, đơn vị cổ phần hóa và đổi tên thành Tổng Công ty TNHH MTV Văn hóa Sài Gòn.
Nhưng chính điều này lại gây khó khăn cho DN khi xử lý các vấn đề về thuê đất, gia hạn tiền thuê đất vì tên trong hồ sơ đất đai với tên mới đổi không khớp nhau. Tổng Công ty đã nộp đơn xin điều chỉnh lại tên cho đúng hồ sơ pháp lý, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bởi lý do là chờ kết quả xử lý, sắp xếp lại nhà đất theo Nghị định 167.
Bà Thảo còn cho biết, Tổng công ty cũng muốn cập nhật vào hồ sơ tài sản của DN một số dự án mới hoàn thành, nhưng kết quả trả lời của Sở TN&MT vẫn vậy. Bà Thảo bức xúc cho rằng, Sở TN&MT không giải quyết và chờ ý kiến từ Nghị định 167 về sắp xếp nhà đất. Đây là vấn vấn đề mà Tổng công ty rất bức xúc. DN bỏ tiền ra xây rồi nhưng khối tài sản đó không được ghi nhận thì sẽ rất khó khăn.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, DN 100% vốn Nhà nước là đối tượng sắp xếp theo Nghị định 167. Luật đất đai quy định rất rõ, nếu đất đai là đối tượng xử lý theo Nghị định thì xử lý theo Nghị định trước sau đó mới theo pháp luật đất đai. Cho nên vấn đề đặt ra đối với Tổng Công ty TNHH MTV Văn hóa Sài Gòn phải trình lại từ đầu để đúng với pháp nhân đã thay đổi.
“Khi cơ quan thanh tra kiểm tra vào DN lại than vãn, giải thích vì nghĩ đơn giản là không thay đổi vì chỉ đổi tên nên không làm. Nên xử lý kiểm điểm lại gắn một chùm trách nhiệm. Gốc vấn đề là trình lại hết toàn bộ để xử lý đúng đối tượng mà chúng ta đã thay đổi”, ông Thắng nói.
Hiện nay, pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc. Chính bởi vậy, việc định giá đất cũng gặp nhiều khó khăn so với thực tiễn cuộc sống. Theo ông Nguyễn Như Bình- Trưởng phòng kinh tế đất - Sở TN&MT TP.HCM, việc xác định nghĩa vụ tài chính, trong đó có hồ sơ cho thuê đất, thuế đất của DN thời gian gần đây xử lý khá nhanh, các hồ sơ cũ vẫn chưa có quy định chuyển tiếp nên xử lý gặp nhiều bất cập. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc và công khai minh bạch về giá đất, để giúp DN ước tính được nghĩa vụ tài chính phải thực hiện. Nhưng đó là mong muốn vì để giải quyết được vẫn còn rất khó khăn.
“Sở TN&MT, Sở Tài chính và UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Trung ương và Bộ, ngành xin được tháo gỡ vướng mắc, trong đó có nhiều đều xuất giải pháp cụ thể. Nhiều khó khăn vướng mắc được ghi nhận và các Bộ, ngành hứa là sẽ đưa vào sửa đổi Thông tư, Nghị định thậm chí là luật”, ông Bình quả quyết.
Đại diện Sở TN&MT TP.HCM còn cho biết, sẽ có những chỉ đạo rà soát lại thực tế sử dụng đất trên địa bàn, rà soát lại việc đất DNNN bị chồng lấn. Việc thu hồi đất trả lại của các DNNN sẽ được thực hiện theo Nghị định 167 năm 2017 của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công./.