"Bom nợ" Evergrande gây hiệu ứng "domino" tiêu cực lên thị trường bất động sản Trung Quốc
VOV.VN - Thị trường bất động sản Trung Quốc chịu tác động tiêu cực bởi hiệu ứng "domino" từ "ông lớn" Evergrande dù đơn vị này đang nỗ lực gỡ "bom nợ".
Những rắc rối của tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã khiến dư luận bất ngờ khi doanh nghiệp này vỡ nợ với khoản nợ khủng khiếp vì tình trạng khan hiếm tiền mặt. "Bom nợ" này gây ra làn sóng chấn động khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, có tên trong danh sách Global 500 - một trong những doanh nghiệp lớn nhất hành tinh tính theo doanh thu.
Evergrande nợ nần chồng chất
Sự lan tỏa của cuộc khủng hoảng tại Evergrande sang các bộ phận khác của nền kinh tế có thể trở thành một vấn đề mang tính hệ thống. Nhiều nhà phát triển bất động sản trên thị trường Trung Quốc đang "rất đau khổ" và có thể sẽ khó trụ lâu hơn được nếu kênh tái cấp vốn vẫn bị đóng trong một thời gian dài. Tuy những nhà phát triển này có quy mô nhỏ lẻ nhưng khi cộng dồn lại thì họ cũng chiếm khoảng 10% -15% tổng thị trường.
Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, trở thành nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất toàn cầu. Ngày 13/9/2021, khoảng 100 nhà đầu tư đã bao vây trụ sở của Evergrande đòi nợ.
Tính đến ngày 30/6, con số này là 1.970 tỷ NDT, tương đương với GDP năm 2020 của Nam Phi, hoặc gần bằng 2% GDP của Trung Quốc.
Bộ Nhà ở và Xây dựng Trung Quốc đã thông báo với các ngân hàng lớn, Evergrande không thể thanh toán lãi suất tín dụng đến hạn vào ngày 20/9/2021.
Tập đoàn bất động sản Evergrande mới đây cho biết một số dự án của họ đã rơi vào trạng thái đình trệ, do chưa thể thanh toán cho các nhà cung cấp và nhà thầu. Tình trạng này cho thấy những vấn đề tài chính đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.
Công ty này lần đầu tiên cảnh báo tình trạng vỡ nợ vào cuối tháng trước nếu các vấn đề thanh khoản không được giải quyết. Evergrande nói thêm, họ đã bán một số tài sản và các căn hộ để huy động tiền mặt. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, họ đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp và công ty xây dựng để các dự án được tiếp tục.
Mảng kinh doanh cốt lõi của Evergrande báo lỗ 634 triệu USD trong quý trước, sau khi bán nhiều căn hộ đắt đỏ với mức giá chiết khấu. Evergrande cho biết, giá bàn giao căn hộ trung bình của họ đã giảm 11,2% so với 1 năm trước, doanh thu từ mảng phát triển bất động sản giảm gần 19%.
Trong khi đó, mảng kinh doanh năng lượng mới của Evergrande lỗ 758 triệu USD và ghi nhận doanh số bán linh kiện ô tô điện gây thất vọng. Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết họ có khoản nợ tương đương khoảng 88 tỷ USD tính đến cuối tháng 6, 42% trong số đó đến hạn trong chưa đầy 1 năm. Nửa đầu năm nay, họ đã bán 2,2 tỷ USD tài sản.
Hiện tại, Evergrande đã bắt đầu quy trình trả nợ cho những nhà đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) đã quá hạn. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được trả nợ bằng các bất động sản được chiết khấu cao.
Bộ phận quản lý tài sản của Evergrande cho biết trong một bài đăng trên tài khoản Wechat của mình rằng các nhà đầu tư chọn phương thức thanh toán nợ bằng bất động sản giảm giá thay vì tiền mặt có thể bắt đầu liên hệ với bộ phận này để biết thêm chi tiết.
Trích lời một Giám đốc điều hành bộ phận quản lý tài sản của Evergrande thì hơn 70.000 người đã rót tiền vào các sản phẩm WMP bao gồm cả nhiều nhân viên của chính công ty. Khoảng 40 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,2 tỷ USD) giá trị của các sản phẩm như vậy giờ đã đến hạn thanh toán.
Đòn giáng mạnh lên thị trường bất động sản
Cú sốc về "bom nợ" của Evergrande khiến thị trường thế giới cũng phải gánh chịu một "cơn chấn động". Không chỉ chứng khoán lao dốc, USD tăng vọt, mà giá hàng hóa nguyên liệu cũng biến động mạnh.
Theo giới phân tích quốc tế, trong một nền kinh tế bình thường, đây không phải là một vấn đề lớn. Nhưng ở Trung Quốc, nơi bất động sản ước tính chiếm tới 1/4 GDP, điều này trở nên cực kỳ đáng lo ngại.
Có người gọi vụ Evergrande là "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc - đề cập đến sự phá sản của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn còn sớm để gọi đây là một cuộc khủng hoảng lớn.
Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Quốc gia này tiêu thụ khoảng 40 – 70% tổng hàng hóa tiêu thụ trên toàn cầu, trong đó một phần lớn dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tổng cộng, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm khoảng 5-20% tổng nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Điều này cho thấy, Evergrande rõ ràng là một "hợp đồng khổng lồ" của thị trường hàng hóa thế giới.
Giá kim loại đồng loạt lao dốc trong phiên 20/9 do lo sợ lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lan truyền, dẫn tới nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa, và có thể khiến giá bất động sản ở Trung Quốc có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Nếu điều đó xảy ra sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh trong các hoạt động xây dựng nói chung, trong đó có số lượng nhà mới được hoàn thiện ở Trung Quốc, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu thép và các vật liệu xây dựng khác trên toàn cầu./.