Cần cơ chế riêng cho gói tín dụng 110.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
VOV.VN - Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội. Đây là gói tín dụng tiếp nối gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện giai đoạn 2013 – 2016. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ở TP.HCM kỳ vọng gói tín dụng mới sẽ thúc đẩy lĩnh vực nhà ở xã hội vốn đang trầm lắng thời gian gần đây.
Quan tâm hơn tới doanh nghiệp
Theo đề xuất, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn. Trong đó, 50% số tiền này tương đương 55.000 tỷ đồng sẽ dành cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. Nửa còn lại dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Gói tín dụng 30.000 tỷ trước đây có tới 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn để người dân vay tối đa là 10 năm. Còn lại 30% số tiền được dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Như vậy, có thể thấy với gói tín dụng mới dành cho nhà ở xã hội, các doanh nghiệp sẽ được quan tâm và hưởng nhiều hỗ trợ hơn so với trước đây.
Tham gia làm nhà ở xã hội lâu năm tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa- Giám đốc Công ty Lê Thành kỳ vọng thời gian tới phân khúc nhà ở xã hội tại TP.HCM sẽ khởi sắc: “Tôi hy vọng rằng gói này giống như gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm. Chúng ta bắt đầu từ những căn nhà có nhu cầu thực. Nó cũng là một dự án bất động sản, và nó sẽ hiệu ứng để tạo lòng tin, thúc đẩy chung cho toàn thị trường bất động sản”.
Cần chính sách riêng cho nhà ở xã hội
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân (đơn vị chuyên phát triển phân khúc nhà ở xã hội) cho biết, khi kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước kia, những bất cập, vướng mắc trong thủ tục pháp lý khi triển khai nhà ở xã hội đã khiến cho thời gian qua không nhiều dự án mới được triển khai. Trong số 14 tỉnh thành mà Tập đoàn Hoàng Quân triển khai dự án thì TP.HCM xử lý hồ sơ lâu nhất.
Do đó, ông Tuấn mong muốn vấn đề giải quyết thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách riêng cho phân khúc nhà ở xã hội cần sớm được tháo gỡ, nhanh chóng đưa vào thực hiện. Ngoài doanh nghiệp, thì phía người dân cũng là chủ thể cần được tạo điều kiện thuận lợi.
“Đối với người dân, hiện nay cũng đang tháo gỡ nhiều về thủ tục về nơi cư trú, thủ tục về thu nhập… Chúng tôi tin rằng, với gói 55.000 tỷ đồng dành cho khách hàng, gói này đang có sẵn, thì việc tiếp cận có thể thực hiện được từ quý 2/2023”, ông Tuấn nói.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ năm 2016 đến năm 2020, TP chỉ có 15.000 căn nhà ở xã hội trong khi kế hoạch là 20.000 căn. Bình quân mỗi năm TP chỉ có thêm 3.000 căn nhà ở xã hội, con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp tại TP.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị, nhà nước cần có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia. Chẳng hạn, Nhà nước quy định mức lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội là 10%, doanh nghiệp nào cảm thấy chính sách này phù hợp với mình thì sẽ lựa chọn đầu tư.
“Riêng TP.HCM có khoảng 15 tập đoàn và doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội bằng tiền của mình, tự mua đất, tự vay tiền, tự đầu tư. Không thể ép doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, nhưng thực sự có rất nhiều doanh nghiệp có ý thức và mong muốn tham gia đóng góp. Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp làm”, ông Châu thông tin.
Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng nếu được xem xét thông qua sẽ là động lực lớn về mặt nguồn vốn. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn vốn thì cần thực hiện đồng thời việc tạo dựng cơ chế thông thoáng, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng quy hoạch phù hợp và tạo dựng được quỹ đất sạch. Có như vậy thì phân khúc nhà ở xã hội mới thực sự được phát triển mạnh hơn./.