Cần loại bớt nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS sử dụng đòn bẩy lớn nhưng không có năng lực
VOV.VN - Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính, việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản là đúng đắn.
"Phải có giải pháp loại bớt các nhà đầu tư chụp giật, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn mà không có năng lực tài chính, mang lại nhiều rủi ro". Đây là ý kiến của chuyên gia tại toạ đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra sáng nay (7/6).
Phát biểu tại toạ đàm, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát chặt tín dụng đổ vào thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lợi dụng hình thức này để thu lợi bất chính, như trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn FLC gần đây.
Thực tế, thị trường bất động sản phụ thuộc rất lớn vào hai kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Tháng 4/2022, thị trường này ghi nhận tình trạng hi hữu là không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu. Còn về tín dụng đã giảm từ 12% năm 2021 xuống còn 10% năm 2022.
Theo ông Hậu, việc siết tín dụng cho bất động sản của ngân hàng nhằm loại trừ những trường hợp kinh doanh không đảm bảo pháp lý, “xí chỗ” dự án có thể dẫn đến hệ luỵ không thể cấp Gấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua.
Còn với những dự án đảm bảo pháp lý, thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật và có khả năng bán được hàng thì ông Hậu đề nghị ngân hàng cần tiếp tục cho vay. Nếu doanh nghiêp không tiếp cận được nguồn vốn thích hợp sẽ dẫn đến sản xuất giảm sút, tiến độ thực hiện dự án bị đình trệ, từ đó dẫn đến giá nhà đất leo thang.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính, việc kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản là đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn linh hoạt và phù hợp trong từng thời điểm, từng phân khúc. Đối với phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cần phải đẩy mạnh cho vay, thậm chí có những ưu đãi từ phía Ngân hàng chính sách xã hội, cũng như các ngân hàng thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phân khúc này.
Đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng hoàn vốn và có đóng góp lớn cho xã hội thì cần đẩy mạnh hỗ trợ về tín dụng. Từ đó, doanh nghiệp mới đưa vào thị trường lượng sản phẩm lớn hơn, góp phần làm giảm giá bất động sản. Đồng thời, phải có giải pháp loại bớt các nhà đầu tư chụp giật, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn mà không có năng lực tài chính, mang lại nhiều rủi ro.
Ngoài ra, ông Thịnh kiến nghị tạo điều kiện cho người mua nhà lần đầu: "Những người có nhu cầu mua thật, ở thật được vay vốn một cách tốt nhất. Để từ đó có khả năng an cư, lạc nghiệp. Về phía các ngân hàng thương mại cần xem xét cho vay mua nhà, cho vay sửa chữa nhà đáp ứng nhu cầu của người dân"./.