Đề xuất cấm môi giới cá nhân hoạt động độc lập: Bớt thổi giá, gây sốt ảo bất động sản
VOV.VN - Đa phần các cơn sốt đất ảo đều được thực hiện bởi các nhóm môi giới bất động sản cá nhân, mang tính tự phát, có dấu hiệu bắt tay nhau "thổi giá", gây lũng đoạn thị trường.
Mới đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có nội dung cấm môi giới cá nhân hoạt động độc lập. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và xem là một cách thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Sốt đất ảo do môi giới cá nhân “thổi giá”
Đề xuất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức hoạt động và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, đa phần các cơn sốt đất ảo đều được thực hiện bởi các nhóm môi giới bất động sản cá nhân, mang tính tự phát, có dấu hiệu bắt tay nhau "thổi giá", gây lũng đoạn thị trường.
Theo ông Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà toàn cầu (Global Home), những cơn sốt đất gây nhiều hệ lụy cho người dân và cơ quan quản lý ở một số địa phương. Khi cơn sốt đất đi qua để lại nhiều hậu quả, gây sự nhiễu loạn về thị trường tại địa phương, gây mất an ninh trật tự. Rất nhiều người bị mất tiền vì tin vào lời của môi giới, cò mồi. Những người môi giới này chỉ tập trung vào việc kiếm lợi nhuận từ hoạt động môi giới chứ không chịu trách nhiệm phía sau dự án.
Giúp lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Nhìn nhận từ thực tế, ông Trương Hoài Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRS cho biết, có một số vụ kiện của khách hàng đến từ những người môi giới là tay ngang chuyển nghề, chưa được đào tạo, sát hạch và không có tổ chức kiểm soát việc hành nghề. Hơn nữa, những môi giới tự do còn bắt tay với những nhà đầu cơ "bơm", "thổi giá" bất động sản dẫn đến cơn sốt giả tạo, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Do đó, ông Bảo kiến nghị "siết" môi giới tự do để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
"Để cá nhân được hành nghề môi giới chuyên nghiệp thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới, phải tham gia khóa đào tạo chuyên môn bất động sản. Trong đó có kiến thức pháp luật và thái độ, đạo đức hành nghề và phải chịu sự kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý thị trường bất động sản" - ông Trương Hoài Bảo nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Minh Nguyệt– Giám đốc tiếp thị, Công ty Propzy dẫn số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy chỉ khoảng 10% môi giới (tương đương 30.000 người) đang hoạt động có chứng chỉ hành nghề, còn lại là môi giới tự do.
Bà Nguyệt nhận định, môi giới cần được đào tạo và đánh giá thông qua điểm số được quy định chung. Cũng như các chứng chỉ hành nghề khác, mỗi môi giới cần có 1 mã số định danh để khách hàng có thể tra cứu, xác minh lai lịch cũng như quá trình hoạt động, mới có thể tin tưởng được.
"Sự lành mạnh hóa, minh bạch hóa đang là vấn đề lớn của thị trường bất động sản. Vì vậy, nếu có thêm đội ngũ có chiều sâu về mặt chuyên môn, có tâm trong hoạt động nghề và có tổ chức để họ được bảo vệ, phát huy hết tố chất trong công việc thì là điều tốt cho thị trường bất động sản thời gian tới"- bà Phạm Thị Minh Nguyệt cho biết.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh, nhưng những quy định về hoạt động môi giới còn chưa chặt chẽ. Do đó, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng bổ sung quy định cần thiết để thị trường phát triển lành mạnh, tránh những hệ lụy cho người dân và công tác quản lý Nhà nước./.