Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, mong được hỗ trợ khi mở cửa lại nền kinh tế
VOV.VN - Doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch đã khiến hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong suốt gần 4 tháng qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
Ông Hoàng Hà Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nalico cho biết, doanh nghiệp mong sớm khống chế được địch để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc thù trong lĩnh vực bất động sản là làm việc trực tiếp, như thi công tại công trường, xử lý các giấy tờ pháp lý, mở bán giới thiệu sản phẩm… việc sử dụng công nghệ thực hiện các công việc một cách gián tiếp chỉ được một phần và cũng không hiệu quả.
“Các doanh nghiệp có dự án bất động sản ở địa phương thì việc đi lại, liên hệ, thực hiện thi công dự án đều rất khó khăn khi các tỉnh thực hiện giãn cách. Chi phí do xét nghiệm, các thủ tục xin cấp giấy đi đường đều rất mất thời gian, cùng với đó việc ngừng thi công một số công trình khiến dự án không đạt tiến độ đề ra, dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc” - ông Hoàng Hà Phương nói.
Theo ông Hoàng Hà Phương, để các doanh nghiệp có thể khôi phục Chính phủ cũng cần có cơ chế kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong quá trình phục hồi, đây như một “liều vaccine” cấp bách cho nền kinh tế. Các vướng mắc pháp lý cũng cần được tháo gỡ một cách nhanh chóng, hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn mức lãi suất thấp và giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp…
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, với tình hình khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn căng thẳng hiện nay, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Đồng thời, cần đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế (thu nhập, VAT), giảm lãi suất vay, tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi hơn.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Theo HoREA, để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Cụ thể là xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nêu thực tế: “Sau gần 2 năm đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời”./.