Giá đất ở TP.Thủ Đức có "hạ nhiệt" khi doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá ở Thủ Thiêm?
VOV.VN - Vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức với mức giá lịch sử là 37.346 tỉ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm vào cuối năm 2021 tạo nên cơn sốt giá đất ở khu vực này khi nhiều khu vực tăng lên từ 10-15%.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt bỏ cọc, dừng dự án thì liệu có làm giá đất ở khu vực phía đông TP.HCM hạ nhiệt?
Sau vụ đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá nhà đất khu phía đông TP.HCM dậy sóng. Mặt tiền trên tuyến đường Tam Đa, phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức được rao bán trên 100 triệu đồng/m2. Đất trong các con hẻm nhỏ cũng ở mức 40 - 55 triệu đồng/m2. Mức giá này cao gấp gần 10 lần so với 3 năm trước.
Gia đình anh Lê Hoàng Nam, trong hẻm 200 đường Dương Đình Hội, phường Phước Long, TP.HCM (Quận 9 cũ) đang rao bán lô đất 500m2 với giá 65 triệu đồng/m2. Anh Nam cho biết: “Tôi đang bán giá 65 triệu đồng/m2, bán đúng mức giá này cũng đã hỏi hết rồi. Ai mua thì đặt cọc, sau khi giấy tờ xong xuôi thì chồng tiền thôi. Đây trong hẻm, chứ còn ở ngoài đường Dương Đình Hội giá cũng trên 100 triệu đồng/m2, tăng rất cao. Giờ nếu giá có giảm thì cũng bình bình ở mức đó, không xuống sâu”.
Qua tìm hiểu, giá đất ở TP.Thủ Đức được đẩy lên mức cao hơn so với thực tế song số lượng giao dịch không nhiều dù “cò đất” tung ra các chiêu câu khách như: kinh doanh kẹt vốn nên cần bán gấp; giảm giá bán so với thực tế…
Theo nhận định của một số chuyên gia, khi thành lập TP.Thủ Đức giá đất khu vực này đã được đưa lên mức cao, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm khiến giá đất ở nhiều khu vực trong TP.Thủ Đức đồng loạt tăng thêm từ 10-15% tạo nên một cơn “sốt ảo”. Dù rằng đến nay đã có hai doanh nghiệp bỏ cọc và xin dừng dự án song cũng khó kéo được giá đất khu vực trở lại như cũ.
“Khi đất đã tăng thì người ta cũng không chịu giảm nữa, chỉ những doanh nghiệp có những lô đất thế chấp nợ ngân hàng, buộc phải bán tháo để trả nợ để tránh nợ xấu hoặc những cá nhân quá kẹt tiền chấp nhận giảm giá để bán nhưng số đó cũng không ảnh hưởng đến phần đông còn lại. Nên giá đất vẫn ở mức cao và thiếu tính thanh khoản đối với thị trường bất động sản” - chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán – Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích.
Việc đấu giá đất Thủ Thiêm vào thời điểm cuối năm 2021 đã tác động lớn đến thị trường bất động sản khu vực TP.Thủ Đức, đặc biệt là khu vực xung quanh các dự án.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt An Hòa, nếu giá đất không về sát với thực tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản. Nó tạo nên sự không minh bạch đối với thị trường này ở TP.HCM. Ông Trần Khánh Quang dự báo, giá đất ở khu vực sẽ bình ổn trở lại khi câu chuyện đấu giá đất ở Thủ Thiêm kết thúc. Nhưng ở tất cả các phân khúc, giá đất sẽ có xu hướng tăng lên.
“Mặc dù doanh nghiệp bỏ cọc nhưng thị trường bất động sản nói chung họ cũng căn cứ vào đó để cân nhắc phát triển một số sản phẩm mới. Có những nơi giá lên đến 300-400 triệu/m2, trong khi đấu giá thành là 2,4 tỷ/m2 thì khoảng cách giá còn khá xa. Theo tôi vẫn còn dư địa để tăng giá ở thị trường Thủ Đức, nhận định trong 6 tháng đầu năm nay thì giá đất Thủ Đức vẫn sẽ tiếp tục tăng từ 10 - 15%” - ông Trần Khánh Quang nói.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc ổn định lại giá đất ở Thủ Thiêm là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua vụ đấu giá đất để thấy rằng, TP.Thủ Đức nói chung và khu vực Thủ Thiêm nói riêng luôn là điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư./.