Giá thép tăng phi mã: "Giọt nước tràn ly" với thị trường bất động sản
Đầu tháng 5 vừa qua, giá thép trong nước đã chạm ngưỡng kỉ lục trên 17.000 đồng/kg, tăng lên đến 40-50% so với quý IV/2020.
Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng từ thị trường thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất thép tăng tích trữ quặng sắt và tình trạng đầu cơ trên thị trường hàng hóa các nước… Vậy tác động giá thép tăng đến thị trường xây dựng bất động sản như thế nào? Đâu là ứng xử lâu dài của doanh nghiệp và Việt Nam trước những biến động giá trên thị trường thế giới?
Giá thép dự báo sẽ vẫn ở mức cao
Trước động thái kiểm soát lại thị trường thép trong nước từ Trung Quốc, giá nguyên liệu thép là quặng sắt đã đảo chiều giảm gần 10% chỉ vài ngày sau khi xác lập mức đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với nhu cầu phục hồi sau Covid-19, các hoạt động sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến, xây dựng, bất động sản sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép sẽ tiếp tục gia tăng nên giá thép được dự báo vẫn giữ một mức cao từ đây cho đến cuối năm.
Trong hoạt động xây dựng, chi phí thép đầu vào chiếm khoảng 10-15% giá trị toàn công trình tùy theo tiêu chuẩn hoàn thiện của từng dự án. Có thể thấy, thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng. Với tốc độ tăng giá thép 40-50% như thời gian qua, nhiều chuyên gia trong ngành thậm chí cho rằng, các nhà thầu xây dựng cả nước có thể đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.
"Cú đánh bồi" đến thị trường xây dựng bất động sản
Theo nhiều doanh nghiệp, tác động giá thép tăng là rất lớn vì những gói thầu xây dựng đã ký hợp đồng cam kết thì gần như giá tăng thì phải chịu. Đối với hoạt động của các nhà thầu hiện nay vẫn phải tiếp tục thi công theo tiến độ, đảm bảo cam kết với chủ đầu tư, việc bù giá thì hạ hồi phân giải. Phía các nhà cung cấp đòi thương lượng lại giá thì mới cung ứng thép, và nhà thầu vẫn là bên phải bù giá và gánh chịu trượt giá. Tăng giá thép thời gian qua được xem là "cú đánh bồi" vào thị trường xây dựng bất động sản vốn đã khó khăn trong 3 năm qua, trước tình trạng thiếu hụt dự án mới, và ngừng triển khai do dịch Covid-19.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, nhận định: "Việc tác động do giá thép là một cú đánh, một giọt nước làm tràn ly, rất nguy hiểm mà có thể có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng phá sản vì đã chịu đựng qua một thời gian dài khủng hoảng về thị trường xây dựng bất động sản, rồi lại thêm dịch Covid-19 và giờ là giá cả tăng đột biến!". Đặc biệt, khó khăn càng chồng chất đối với các nhà thầu đang thi công các dự án do nhà nước đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp hiện đang kiến nghị Bộ Xây dựng cần điều chỉnh cập nhận ngay bảng giá thép và một số mặt hàng khác theo thị trường. Nếu không có điều chỉnh mà vẫn phải áp dụng giá nhà nước lúc này thì sẽ rất khó khăn cho các nhà thầu.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nói: "Đặc biệt đối với công trình quốc gia: thủy điện, nhiệt điện, các công trình hầm, đường bộ… với thời gian thi công rất dài khi các nhà thầu ký với các chủ đầu tư, trong trường hợp này là các bộ ban ngành thì việc điều chỉnh giá cũng là việc rất đau đầu, thông qua Bộ Kế hoạch đầu tư và rất nhiều bộ ban ngành soát xét, như vậy sẽ làm trì trệ đối với các công trình này".
Theo các nhà thầu, những hợp đồng mới trong quý 3,4 đã cập nhật tình hình giá thép thì không bị ảnh hưởng nữa do sẽ có thương lượng vấn đề trượt giá. Tuy nhiên, tác động về lâu dài, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, thêm việc giá trị đầu vào tăng. Dự báo, giá thành đầu ra cuối cùng là sản phẩm nhà ở, giá sẽ tăng thêm từ 10-20% là điều có thể chắc chắn xảy ra.
Thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng do liên thông với thị trường thế giới
Việc giá thép tăng nhanh tới mức đã có nhiều ý kiến đặt nghi vấn có sự "bắt tay" giữa các công ty thép, hay có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Công Thương, không có cơ sở để kết luận các doanh nghiệp thép "bắt tay" đẩy giá thép lên cao. Giá thép Việt Nam tăng nóng được đánh giá là do phụ thuộc hoàn toàn giá thép trong khu vực, nhất là từ Trung Quốc.
Nhìn nhận về quan hệ xuất nhập khẩu thép của Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu đến 5 triệu tấn thép, trị giá 3,7 tỷ USD nhưng đồng thời, xuất khẩu thép cũng ở mức cao 2,7 tỷ USD. Và hơn 1 nửa kim ngạch nhập khẩu là từ trung Quốc.
Theo các chuyên gia, tự do hóa thương mại ngày càng mạnh, đặc biệt với Trung Quốc cho thấy sự liên thông giữa hai thị trường rất nhạy bén, và phản ánh tác động nhanh của giá thép thế giới tới Việt Nam và trong chuỗi giá trị này, điều mà các doanh nghiệp Việt phải đối diện lớn nhất đó là rủi ro về giá.
Nâng cao vai trò của các sàn giao dịch hàng hóa
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, thị trường thép đã phản ứng đúng theo quan hệ cung cầu trong thời gian qua. Và đợt sốt giá thép vừa rồi chỉ mang tính ngắn hạn, không lâu dài. Do đó, việc dùng mệnh lệnh hành chính hay kêu gọi điều chỉnh chính sách thuế để can thiệp là điều chưa cần thiết lúc này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: "Biến động giá thép mang tính lâu dài và tiếp tục tăng lên thì cũng phải có những điều chỉnh về chính sách thuế nhập khẩu để làm sao giá trong nước tăng chậm hơn giá thế giới. Như đợt sốt giá vừa rồi không phải mang tính lâu dài và đương nhiên mức giá ổn định nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm đầu năm nhưng đó cũng không phải là căn cứ mà chúng ta phải có ngay lập tức có những biện pháp điều chỉnh mạnh về chính sách".
Do đó, việc chịu tác động rủi ro của thị trường bởi giá thép biến động trong ngắn hạn là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu. Và rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đã phải nghĩ đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm để giúp cho nhà thầu có thể kiểm soát, hạn chế thiệt hại khi có những đợt tăng giá bất thường.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, CTCP tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cho biết thêm: "Trong tương lai, để các hoạt động kinh doanh của các nhà thầu được ổn định hơn thì nên có những công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm về giá và trượt giá".
Chính vì vậy, theo các chuyên gia về mặt chính sách, điều các cơ quan chức năng cần nghiên cứu trong giai đoạn tới là đẩy mạnh việc phát triển các thị trường hàng hóa ở Việt Nam - tức là các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các công cụ và các hợp đồng kỳ hạn không chỉ sắt thép mà còn các kim loại khác.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho biết: "Trước mắt ở Việt Nam chưa có các thị trường cơ chế, có lẽ Bộ Công Thương là cơ quan được giao về mặt quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa thì cũng cho phép và nới lỏng các quy định để các doanh nghiệp có thể thuận lợi để có thể tham gia mua bảo hiểm các hợp đồng kỳ hạn mà được niêm yết ở các thị trường hàng hóa nước ngoài".
Hiện tại, Việt Nam cũng đã có sàn giao dịch hàng hóa tuy nhiên những sàn này hoạt động mang tính chất trung gian, môi giới chứ chưa có những sản phẩm giao dịch của riêng mình. Đây cũng là bước phát triển quan trọng để manh nha hình thành các sàn giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, hướng tới cung ứng những sản phẩm giao dịch tiến bộ, đảm bảo rủi ro cho các doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập./.