Giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư: Người dân bức xúc khi đất ở thành đất công

VOV.VN - Khu đất được người dân Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) sử dụng từ năm 1989 tới nay, có đóng thuế đất nhưng lại được xác định là đất công và khi thực hiện giải phóng mặt bằng không có đền bù hỗ trợ cho người dân.

Nguồn gốc đất cần được xác định lại

Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1 được triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổng diện tích thu hồi là hơn 1.252 m2. Trong đó có một phần diện tích khu đất Sau đồng ở thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đang là phần đất của 12 hộ dân cũng nằm trong diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Trong phương án giải phóng mặt bằng của dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (dựa trên những hồ sơ quản lý đất đai trước đây) xác định khu đất Sau đồng là đất công, do UBND xã Đại Áng quản lý. Phương án giải phóng mặt bằng được xây dựng với khu vực đất công và ngày 30/12/2020, UBND huyện Thanh Trì ra Quyết định thu hồi đất 10960. Điều này đã khiến một số hộ dân ở thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng không đồng thuận.

Bà Nguyễn Thị Dơi - người dân thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng cho biết: “Hợp tác xã và thôn Vĩnh Thịnh chia đất giãn dân khu Sau đồng cho 251 hộ trong thôn từ năm 1989, gia đình có 7 khẩu được 48m2. Sau khi chia đất đến nay đã có hộ làm nhà ở kiên cố, các hộ chưa làm nhà nhưng vẫn nộp thuế đất ở nông thôn nhiều năm nhưng khi dự án triển khai lại xác định đây là khu vực đất công là vô lý”.

Không chỉ có gia đình bà Dơi, nhiều hộ trong thôn Vĩnh Thịnh được chia đất giãn dân từ những năm 1989 cũng bức xúc vì diện tích đất do gia đình quản lý hơn 20 năm, đóng thuế đất xác định đất ở nông thôn từ năm 2012 tới nay bị giải phóng mặt bằng mà không có một thông báo nào, khu vực đất đang sử dụng lại được xác định là đất công. Tháng 11/2021 bà con đến nộp thuế thì cán bộ thuế nói không thu nữa do đang có dự án.

Nguồn gốc đất các hộ dân đang sử dụng là được hợp tác xã và chính quyền thôn đứng ra chia từ năm 1989, 1990 (trước khi Luật Đất đai 1993) không phải đất người dân tự ý lấn chiếm. Quá trình sử dụng đất các hộ dân có kê khai và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, bà con còn có đóng góp tiền xây dựng đường với địa phương.

UBND xã Đại Áng đề nghị có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Trong báo cáo số 78 của UBND xã Đại Áng gửi UBND huyện Thanh Trì (ngày 16/6/2021) cho biết, hiện trạng sử dụng đất tại khu vực thu hồi giải phóng mặt bằng cho dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1: “Khu đất trên đã có một số nhà sau khi được giao đã xây dựng và ăn ở ổn định, còn phần diện tích nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng có một số móng nhà và nền bê tông”.

UBND xã Đại Áng cũng nêu khó khăn trong báo cáo: “UBND xã gặp khó khăn liên quan đến việc cơ sở thôn Vĩnh Thịnh giao đất khu vực Sau đồng. UBND xã đã có nhiều buổi làm việc, tại các buổi làm việc các ông, bà nguyên lãnh đạo thôn Vĩnh Thịnh qua các thời kỳ đều đề nghị UBND xã xin cơ chế chính sách đền bù cho các hộ đân được giao đất để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân.

UBND xã Đại Áng đề xuất UBND huyện Thanh Trì và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án có cơ chế chính sách đền bù hỗ trợ cho các hộ dân được giao đất tại khu vực Sau đồng thôn Vĩnh Thịnh”.

Quá bức xúc vì không được các cấp chính quyền thông báo việc bị thu hồi đất và không được đền bù nên ngày 13/10/2021 các hộ dân đã làm đơn gửi đến UBND xã Đại Áng và ngày 18/10/2021 gửi đơn đến UBND huyện Thanh Trì đề nghị xem xét bổ sung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân.

Ngày 19/10/2021 UBND xã Đại Áng tiếp tục có buổi đối thoại với các hộ dân khu Sau đồng. Ông Nguyễn Bá Ky - Bí thư Chi bộ 1, thôn Vĩnh Thịnh nêu ý kiến: “Khu Sau đồng được hợp tác xã chia đất cho các hộ dân trong thôn năm 1989 và 1990. Sau đó có một số hộ đã xây dựng nhà và đến năm 1993 đã đo tách thửa cho các hộ nhưng không được nghiệm thu”.

Ông Nguyễn Bá Đài - Trưởng thôn Vĩnh Thịnh cho rằng: “Khu Sau đồng thôn Vĩnh Thịnh chia cho các hộ dân năm 1989, đến năm 2003 tiếp tục chia lại cho các hộ dân trong thôn. Việc triển khai dự án, các cấp không đi sâu, đi sát với nhân dân. UBND xã không tổ chức họp với các hộ dân nằm trong chỉ giới thu hồi thực hiện dự án”.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết, trên cơ sở những giấy tờ do các hộ gia đình cung cấp sẽ tổng hợp và báo cáo lên UBND huyện Thanh Trì giải quyết.

VOV sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này./.

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Điều 11. Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng người đang sử dụng đất đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện theo quy định sau:

1. Trường hợp sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao.

2. Trường hợp sử dụng đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì người đang sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ như sau:

a) Được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất được giao là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất ở trong hạn mức giao đất quy định tại Khoản 2 Điều 83 và Khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai năm 2003;

b) Được bồi thường về đất đối với diện tích đất được giao là đất ở vượt hạn mức giao đất quy định tại Khoản 2 Điều 83 và Khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai năm 2003 nhưng phải trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp theo mức thu quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

3. Việc bồi thường về tài sản gắn liền với đất thu hồi thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định này.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khánh Hòa tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án đầu tư công
Khánh Hòa tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án đầu tư công

VOV.VN - Hiện tỉnh Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. 

Khánh Hòa tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án đầu tư công

Khánh Hòa tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh các dự án đầu tư công

VOV.VN - Hiện tỉnh Khánh Hòa đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. 

TP.HCM sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến metro 2 trong năm 2021
TP.HCM sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến metro 2 trong năm 2021

VOV.VN - Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn 6 quận là: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.

TP.HCM sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến metro 2 trong năm 2021

TP.HCM sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến metro 2 trong năm 2021

VOV.VN - Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn 6 quận là: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.

Bắc Ninh: Gần 10 năm đi đòi tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tố cáo bán đất sai quy định
Bắc Ninh: Gần 10 năm đi đòi tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tố cáo bán đất sai quy định

VOV.VN - Gần 10 năm, một số hộ dân ở thôn Phong Xá, xã Đông Phong (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đi khiếu nại đòi quyền lợi giải phóng mặt bằng, tố cáo việc bán đất giãn dân tại xã Đông Phong sai quy định.

Bắc Ninh: Gần 10 năm đi đòi tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tố cáo bán đất sai quy định

Bắc Ninh: Gần 10 năm đi đòi tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tố cáo bán đất sai quy định

VOV.VN - Gần 10 năm, một số hộ dân ở thôn Phong Xá, xã Đông Phong (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đi khiếu nại đòi quyền lợi giải phóng mặt bằng, tố cáo việc bán đất giãn dân tại xã Đông Phong sai quy định.