Thị trường bất động sản dễ mua khó bán, nguy cơ xuất hiện "bong bóng"
VOV.VN - Giá bất động sản tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng bất động sản sẽ vỡ gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản thời gian qua có sự phát triển nóng, bất bình thường. Giá nhà đất nhiều nơi tăng nóng, đặc biệt là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.
Nguyên nhân của hiện tượng thị trường bất động sản tăng giá nóng trên là do nguồn cung nhà còn hạn chế, nguồn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chưa được điều chỉnh tốt, thông tin thị trường chưa kịp thời dẫn đến có sự lợi dụng để “nâng giá, thổi giá”.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc có giải pháp kiểm soát, đặc biệt là công bố thông tin về quy hoạch kịp thời. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương và đánh giá của Bộ Xây dựng thời điểm này so với cùng kỳ năm 2021 và cuối năm 2021, giá nhà đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng chậm lại nhưng vẫn còn cao.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), 6 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trường của thị trường bất động sản sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác cũng khan hiếm, dẫn đến tình trạng "sốt ảo", đi kèm là hiện tượng thổi giá.
Mặc dù giá bất động sản tăng nhanh, nhưng thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó; nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng...
Tính thanh khoản thấp dù giá neo cao
Một đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo, nguồn cung và sức cầu trong tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường bất động sản. Giá bán thứ cấp căn hộ tại thị trường TP.HCM trong tháng 5 duy trì xu hướng đi ngang với mức thanh khoản sụt giảm đáng kể, phần lớn đến từ việc các hồ sơ vay mua nhà không được ngân hàng phê duyệt giải ngân trong tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, những biến động về giá cả vật liệu đầu vào đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của những nhà thầu xây dựng. Điều này cũng đẩy giá bán bất động sản tăng cao, nhưng thanh khoản lại tỷ lệ nghịch.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, có 3 vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm nay, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn cao và tính thanh khoản chậm.
Nguyên nhân khiến thị trường kém thanh khoản là bởi quỹ đất hiện không phát triển được các dự án mới, gặp khó khăn và ách tắc về vấn đề pháp lý, cũng như nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Mặt khác, tín dụng vào bất động sản đang bị siết lại trước tình trạng dòng vốn cho thị trường này có dấu hiệu tăng nóng. Nhiều ngân hàng cũng đã có động thái quyết liệt hơn khi tạm dừng cho vay lĩnh vực bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án, thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay”.
Các chuyên gia lo ngại đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh và giá bất động sản sẽ giảm mạnh, gây hệ lụy cho nền kinh tế./.