Bẻ cong đường Trường Chinh vì tránh nhà quan chức?

Dự án mở rộng đường Trường Chinh bị nắn cong nhiều đoạn khiến hàng trăm hộ dân không đồng tình bàn giao mặt bằng.

Dự án đường Trường Chinh mở rộng có chiều dài 2.200 m từ phố Vương Thừa Vũ đến ngã tư Vọng thuộc đường vành đai 2 của Hà Nội được khởi công vào tháng 10/2013 với tổng mức đầu tư 2.560 tỉ đồng. Trong đó, hơn 2.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc các phường Khương Thượng, Phương Mai thuộc Q.Đống Đa và Khương Mai, Phương Liệt thuộc Q.Thanh Xuân.

Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường chỉ mới hoàn thành được đoạn qua Bảo tàng Phòng không - Không quân (PKKQ), còn điểm đầu và cuối thuộc địa bàn phường Khương Thượng và Phương Mai (Q.Đống Đa) chưa triển khai do người dân không chịu bàn giao mặt bằng và đang gửi đơn khiếu nại nhiều nơi.

Thẳng biến thành cong ?

Theo thực địa và bản vẽ, đường Trường Chinh mở rộng đang bị chia làm 3 khúc có hình thù của một chiếc “ghi đông xe đạp”. Tại điểm đầu, đường được mở rộng hướng về phía bắc, ăn sâu vào nhà các hộ dân hàng chục mét nhưng khi qua ngã tư Tôn Thất Tùng, đường bỗng ngoặt về phía nam ăn vào đất thuộc Quân chủng PKKQ. Đến ngõ 150 thì đường Trường Chinh lại bẻ cong trở lại hướng bắc. Từ đầu ngõ này, các mốc giới thể hiện, từ lề đường cũ sẽ mở rộng vào 5 m nhưng qua vài nhà đã ăn sâu vào 15 m và tiếp tục là 20 m...

Đường Trường Chinh uốn lượn trong chiều dài hơn 2 km.

Tại Quyết định số 19/2008 của UBND TP.Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường vành đai 2 thể hiện đường Trường Chinh được mở rộng “cục bộ”, chỗ có chiều rộng 53,5 m nhưng có chỗ rộng đến 57,5 m. “Chỉ giới đường đỏ được vuốt nối, chuyển tiếp từ hướng mở rộng đường chủ yếu về phía bắc sang phía nam và ngược lại để đảm bảo khớp nối chung cho cả tuyến đường”, quyết định nêu rõ.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, một trong những người dân ở P.Khương Mai có nhà bị ảnh hưởng do mở đường, cho hay hiện trạng đường Trường Chinh từ ngã tư Sở đến ngã tư Vọng vốn thẳng tắp nhưng sau khi quy hoạch mở rộng đã thành đường cong: “Về cơ sở khoa học cũng như pháp luật thì chỉ có thể mở đường từ cong thành thẳng chứ không ai làm ngược lại như thế”, ông Tuấn bức xúc.

Đường né nhà quan ?

Ông Ngô Quý Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội cho rằng: “Cong vênh là do yếu tố kỹ thuật của con đường, khi quy hoạch đã lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng”.

Tuy nhiên, theo hồ sơ tài liệu về dự án này, năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) xây dựng phương án quy hoạch tuyến đường theo phương án lấy về phía bắc 20 m, còn lại lấy về phía nam. Phương án này đưa ra lấy ý kiến Quân chủng PKKQ và thống nhất lấy mép đường về phía bắc sâu 7 m, còn lại lấy về phía nam (thuộc đất của quân chủng) để có đủ bề mặt đường mở rộng đủ 53,5 m. Bản đồ quy hoạch được vẽ theo hướng này.

Vì ngoài Quân chủng PKKQ, đoạn đường còn đi qua nhiều đơn vị khác nên năm 2006, UBND TP.Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng. Đến năm 2007, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên có văn bản số 762 thống nhất chỉ giới đường đỏ theo hướng lấy sâu vào phía bắc 6 m, còn lại phát triển về phía nam cho đủ mặt cắt đường là 53,5 m.

Theo đại tá Nguyễn Tâm Trinh - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ và ngụ tại nhà số 10 ngõ 150 Trường Chinh cho biết ,việc quy hoạch đường Trường Chinh trước năm 2000 đã được thể hiện tại Quyết định số 108 về định hướng quy hoạch thủ đô đến năm 2030 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành năm 1998. Lúc đó, đường Trường Chinh mở rộng theo một con đường rất thẳng không có điểm cong.

Đại tá Trương Minh Tá, nguyên cán bộ Quân chủng PKKQ cũng cho hay, các bản đồ quy hoạch Q.Đống Đa trước đây ông đã từng xem đã thể hiện là đường thẳng. “Rất nhiều người dân phường Khương Thượng biết quy hoạch tiền hậu bất nhất nên mới xảy ra chuyện khiếu nại”, ông Tá nói.

Các cựu binh cũng không ngại ngần khi đặt ra nghi vấn đường Trường Chinh từ thẳng biến thành cong là do né nhà của một số gia đình nguyên là tướng lĩnh, quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT. Cụ thể, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh cho biết đường Trường Chinh từ điểm đầu mở rộng ra phía bắc khi qua ngã tư Tôn Thất Tùng một đoạn thì đổi hướng mở rộng qua phía nam do đụng phải nhà của một số tướng lĩnh quân đội và cựu quan chức cấp cao của Bộ GTVT.

“Tôi cho rằng quy hoạch đường Trường Chinh hiện nay là một sự bẻ cong trắng trợn vì một mục đích thiếu minh bạch. Với tư cách là nguyên Phó tư lệnh quân chủng, tôi khẳng định về hướng bắc đường Trường Chinh không hề có một công trình nào quan trọng của Bộ Quốc phòng để khiến đường phải đổi hướng”, Đại tá Trinh nói.

Trên thực tế, sau khi đi qua ngã tư Tôn Thất Tùng một đoạn đường đi qua nhà các tướng lĩnh, quan chức cấp cao là đoạn đường có chiều rộng hẹp nhất so với 2 điểm đầu, chỉ có 53,5 m. Tại đây, nhiều ngôi nhà đã xây cao hàng chục tầng và đang cho thuê kinh doanh. Đáng chú ý, lề đường Trường Chinh mở rộng tại đoạn này vẫn đi theo lề đường Trường Chinh cũ không lấy vào 6 m như trong văn bản mà Bộ Quốc phòng đã đề cập.

Đại tá Trương Minh Tá cho hay hàng loạt vấn đề của dự án đường Trường Chinh mở rộng cần phải làm rõ, đặc biệt là quy hoạch con đường này dựa trên thực địa hay do thỏa thuận để có “lợi ích nhóm”. Ông Tá cũng khẳng định đã gửi đơn lên các cấp thẩm quyền nhưng chưa nhận được câu trả lời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội xây tuyến đường bộ trên cao vành đai 2
Hà Nội xây tuyến đường bộ trên cao vành đai 2

VOV.VN - Dự án đường trên cao dọc đường vành đai 2 sẽ nối từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và hướng ngược lại

Hà Nội xây tuyến đường bộ trên cao vành đai 2

Hà Nội xây tuyến đường bộ trên cao vành đai 2

VOV.VN - Dự án đường trên cao dọc đường vành đai 2 sẽ nối từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và hướng ngược lại

Hà Nội đẩy nhanh dự án đường vành đai 2
Hà Nội đẩy nhanh dự án đường vành đai 2

VOV.VN -Các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Hà Nội đẩy nhanh dự án đường vành đai 2

Hà Nội đẩy nhanh dự án đường vành đai 2

VOV.VN -Các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Hà Nội: Thêm 123,2 tỉ đồng cho GPMB đường vành đai 2
Hà Nội: Thêm 123,2 tỉ đồng cho GPMB đường vành đai 2

VOV.VN - Sẽ có thêm 7 gói thầu liên quan đến việc di chuyển, điều chỉnh hệ thống thông tin, đường điện, hệ thống cấp thoát nước.

Hà Nội: Thêm 123,2 tỉ đồng cho GPMB đường vành đai 2

Hà Nội: Thêm 123,2 tỉ đồng cho GPMB đường vành đai 2

VOV.VN - Sẽ có thêm 7 gói thầu liên quan đến việc di chuyển, điều chỉnh hệ thống thông tin, đường điện, hệ thống cấp thoát nước.

Hà Nội thu hồi 1.000 m2 đất làm Dự án Đường vành đai 2
Hà Nội thu hồi 1.000 m2 đất làm Dự án Đường vành đai 2

Diện tích đất thu hồi được giao cho BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2.

Hà Nội thu hồi 1.000 m2 đất làm Dự án Đường vành đai 2

Hà Nội thu hồi 1.000 m2 đất làm Dự án Đường vành đai 2

Diện tích đất thu hồi được giao cho BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để xây dựng dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 2.