Bến Tre: Cảng công nghiệp thành bãi tập kết vật liệu xây dựng

VOV.VN - Do xây dựng không đồng bộ và đầu tư chưa đúng mức nên cảng Giao Long không phát huy tác dụng gây lãng phí lớn. 

>> Lãng phí đầu tư bạc tỷ xây chợ theo phong trào
>> Lãng phí đầu tư công từ hệ thống chiếu sáng công cộng
>> 4.000 tỷ đồng cho đường Mỹ Đình - Bái Đính: Nên hay không?

Năm 2003, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Bến Tre đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng cảng Giao Long tại xã Giao Long, huyện Châu Thành. Đây là cảng thủy nội địa, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp tại 2 Khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long của tỉnh Bến Tre theo sông Tiền. Song điều đáng nói là do xây dựng không đồng bộ và đầu tư chưa đúng mức nên cảng Giao Long không phát huy tác dụng gây lãng phí lớn.

Đến cảng Giao Long hiện nay, mọi người cứ ngỡ ngàng vì nhìn thấy trước mắt là một bãi chứa vật liệu xây dựng. Bởi từ năm 2007, khi đưa vào hoạt động cho đến nay hơn 8 năm nhưng bến cảng này vẫn chưa có một phương tiện nào vào bến để lên xuống hàng công nghiệp. Tận dụng mặt bằng rộng lớn, các doanh nghiệp thuê lại làm điểm tập kết vật liệu xây dựng như trấu, cát, đá…


Cảng Giao Long trở thành bãi chứa vật liệu xây dựng.
Ông Lê Hoàng Hoanh Em cũng như nhiều người dân khác ở xã Giao Long, huyện Châu Thành đều thầm tiếc cho cảng Giao Long trống vắng khi từ khi xây dựng cảng luôn vắng vẻ, lác đác chỉ có xe tư nhân chở vật liệu, xe công nghiệp không thấy, thi thoảng có 1 - 2 chiếc container đến rồi đi.

“Nếu đầu tư xây một cảng lớn nhưng hoạt động như hiện nay là quá lãng phí. Trong khi đất giải tỏa lớn nhưng đường ra vào lại quá nhỏ. Muốn cảng phát triển cần phải đầu tư làm cầu cảng, có những hợp đồng trung chuyển lớn mới thực sự phát huy được hiệu quả”, ông Em nói.

Để xây dựng cảng Giao Long, tỉnh Bến Tre phải chi 8 tỷ đồng cho việc giải tỏa mặt bằng xây dựng đường giao thông vào cảng. Riêng diện tích cảng rộng 2,7 ha gồm có cầu cảng dài 60 mét, rộng 9,5 mét, bờ kè bảo vệ mái nghiêng dài 170 mét. Theo thiết kế, cảng Giao Long có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan 500 tấn. Năng lực hàng hóa thiết kế thông qua cảng giai đoạn 2010 là trên 191.500 tấn, giai đoạn 2020 là trên 225.150 tấn/năm.

Một số doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cho rằng, gần đây có cầu Rạch Miễu khiến hàng hóa vận chuyển qua tỉnh Tiền Giang đến TP HCM hay các cảng khác rất thuận tiện, nhanh chóng. Đối với cảng Giao Long chưa đáp ứng nhu cầu cần và đủ để bốc xếp, vận chuyển hàng hóa nhất là hệ thống cơ giới cẩu, tải hàng, kho lạnh, nhà nghỉ... chưa có.

Thực tế, đến thời điểm này, cảng Giao Long chỉ có 1 xe cần cẩu và 3 xe tải nhẹ. Hệ thống điện thắp sáng chưa lắp đặt, cơ quan quản lý cảng phải nhờ điện từ một đơn vị khác để sinh hoạt...

Hiện nay, cảng Giao Long do Trung tâm quản lý phà và bến xe Bến Tre trực tiếp quản lý và khai thác. Mỗi tháng, cảng cho thuê bãi chứa vật liệu xây dựng được trên 120 triệu đồng vừa đủ trả lương cho 8 cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng tại Cảng Giao Long đã xuống cấp, không có nguồn kinh phí để đầu tư.


Cảng Giao Long chỉ có xe chở vật liệu xây dựng ra vào.
Ông Lê Minh Thuận, cán bộ quản lý cảng Giao Long cho biết, cảng Giao Long xây dựng qua 3 giai đoạn nhưng đến nay mới đến giai đoạn 2. Do hoạt động kém hiệu quả nên không có nguồn kinh phí đầu tư cho giai đoạn tiếp. Chủ trương của tỉnh Bến Tre là cổ phần hóa cảng Giao Long. Hiện tại, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đến khảo sát và có khả năng doanh nghiệp này sẽ đầu tư nâng cấp cảng Giao Long. Khi được nhà đầu tư có năng lực vào thì cảng Giao Long mới thoát khỏi cảnh trống vắng.

“Cảng chưa có hướng khắc phục thực tế và còn đang chờ cổ phần hóa. Khi đó công đoạn còn lại là do công ty cổ phần hóa người ta sẽ tiến hành nâng cấp và có đề án thu hút hàng hóa đi qua Cảng”, ông Lê Minh Thuận nói.

Có thể nói đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre vẫn chưa tìm được hướng giải quyết khả thi, sớm khắc phục việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cảng Giao Long gây lãng phí. Các doanh nghiệp và người dân tỉnh Bến Tre đang mong chờ có một cảng Giao Long xứng tầm, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế của địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên