Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Cấm hay không?

Biến tướng đáng sợ của kinh doanh dịch vụ đòi nợ

VOV.VN - Là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng hoạt động của dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật...

Tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày Dự Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm. Thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê diễn ra rất phức tạp lâu nay và đã có nhiều đề xuất chính sách đối với hoạt động này. Từ đó những đề xuất đó cũng dấy lên rất nhiều quan điểm trái chiều trong xã hội.

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, được quy định cụ thể trong Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế hoạt động dịch vụ đòi nợ đang bị biến tướng và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Hiện nay tại TP HCM có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó chỉ có 46 công ty được cấp giấy phép.

Mới đây, anh Võ Thanh Quân, ngụ tại TP HCM đã bị một nhóm đòi nợ đâm tử vong khi cố giải cứu mẹ mình là bà Võ Ngọc Oanh bị nhóm đòi nợ bao vây. Trước đó, bà Oanh có vay tiền của một người đàn ông tên Vũ Xuân Minh, thường trú TP Hà Nội, do chưa có tiền trả nên bà Oanh đã bị một nhóm đối tượng lạ mặt nhiều lần tới khủng bố tinh thần và doạ giết.

Tương tự, do người thân có vay số tiền sau đó bỏ trốn vì không có khả năng chi trả mà gia đình ông Trần Văn Nam ở quận Bình Tân phải hứng chịu cảnh bị nhóm giang hồ đòi nợ thuê đe doạ tinh thần, khủng bố bằng mắm tôm, ném gạch đá vào nhà suốt nhiều tháng ròng rã, ép phải trả nợ thay.

Ông Nam buồn bã cho biết: “Tụi nó tới phá quá, khủng bố kiểu như vậy nhiều đêm ném gạch đá đã chịu không nổi rồi còn tạt sơn pha mắm tôm nữa làm sao chịu được”.

Trên thực tế cũng không ít trường hợp chỉ vì có quen biết với người vay tiền nên cũng đã trở thành nạn nhân của các băng nhóm đòi nợ theo kiểu giang hồ…

Trường hợp tiệm phở Hoà của gia đình ông Phạm Trọng Linh (ở quận 3, TP HCM) bị nhóm người xăm trổ đến đe doạ, sau đó tấn công bằng chất bẩn hơn 1 tuần liền vì một khoản nợ nhiều tỷ đồng của một người quen xin tạm trú tại địa chỉ của gia đình. Bị khủng bố tinh thần, con cái đi học bị nhóm xã hội đen theo dõi và doạ giết khiến ông Linh phải nhờ sự vào cuộc của công an. Khi nhắc tới những đối tượng đi đòi nợ thuê ông Linh vẫn chưa hết rùng mình.

"Người ta tới không tìm được anh Tuấn (người thân của gia đình) thì người ta yêu cầu gia đình tôi phải chịu trách nhiệm về số nợ đó. Gia đình trong một tháng qua rất khủng hoảng tinh thần, lo sợ, bất an và không dám ra đường" - ông Phạm Trọng Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thuê diễn biến phức tạp với nhiều biến tướng. Người của công ty đòi nợ không chừa bất kỳ thủ đoạn nào để cưỡng ép con nợ, hoặc người nhà con nợ phải trả tiền. Thậm chí, còn ngang nhiên xông thẳng vào tư gia tự ý phong tỏa, chiếm giữ tài sản cá nhân. Trường hợp bà Lê Thị Mỹ Châu, ngụ quận 3 bị các đối tượng xăm trổ của Công ty Bảo vệ Bảo An cô lập, cưỡng chiếm nhà là một ví dụ.

Bà Châu cho biết: "Họ khóa cửa lại ở bên trong, khi tôi kêu người mở khóa để vào nhà thì những người xăm trổ dọa vào là giết ngay. Chuyện vay tiền lấy lãi, tôi cũng chưa bao giờ bàn giao căn nhà này, mà sao lại đi cướp nhà tôi. Tôi rất hoang mang không biết như thế nào, rất lo sợ không biết những người xã hội đen đó trong những ngày tới còn làm gì nữa đối với gia đình tôi".

Nhìn nhận một cách khách quan, cũng không ít trường hợp người vay tiền chây ì, hoặc không chịu trả nợ khiến việc thu hồi tiền nợ gặp nhiều khó khăn. Đối với các mối quan hệ vay mượn dân sự khi người vay không trả thì cần tới tòa án dân sự giải quyết.

Khoảng 99% công ty đòi nợ thuê cấu kết băng nhóm xã hội đen để trấn áp tinh thần người vay nợ. (Ảnh: Báo Giao thông)

Tuy nhiên, thực tế việc nhờ đến cơ quan chức năng không dễ dàng, nhiều trường hợp đưa con nợ ra tòa, nhưng sự phiền hà về thủ tục, thời gian tố tụng kéo dài, rồi việc thi hành án cũng rất khó khăn, tốn kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ nợ sẵn sàng thoả hiệp với giới xã hội đen hoặc tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê để đòi được nợ nhanh hơn.

Bà Nguyễn Thị Như (ngụ ở quận Bình Thạnh), một người từng cho vay tiền cho rằng: "Chính quyền không đòi được vì ra nhờ công an thì họ bảo là hợp đồng dân sự, chị kiện ra tòa. Đến tòa thì tòa bảo là dân sự chị làm đơn rồi tôi làm thư mời lên giải quyết. Có khi tòa án mời 5 lần bảy lượt họ không lên thì cũng không làm gì được họ hết. Tòa án quy định thời gian nhận đơn và xử thì phải 6 tháng mới xử được. Xử xong thì còn thi hành án không biết khi nào mới đòi được. Nhờ công ty đòi nợ rất gọn lẹ. Và mình trả chi phí cho họ". 

Liên quan đến dịch vụ đòi nợ, chỉ đơn cử thực tế tại TP HCM cũng thấy rất phức tạp. Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM cho biết, hiện nay tại TP HCM có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó chỉ có 46 công ty được cấp giấy phép. Theo quy định của pháp luật thì nhân viên công ty đòi nợ buộc phải có trình độ, có đạo đức và lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên rà soát cho thấy, 99% công ty sau khi được cấp phép hoạt động thì đều có dấu hiệu cấu kết với “băng nhóm xã hội đen” để đòi nợ. Họ còn sử dụng chiêu trò kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của khách nợ để làm mất uy tín con nợ... và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đăng Nam thì việc xử lý các đối tượng đòi nợ như thế gặp nhiều khó khăn vì một mặt bị hại sợ không dám trình báo, hoặc nhận được trình báo, công an đến thì hiện trường đã được thu dọn.

"Khi hiện trường để lại do bị tạt sơn, bị tạt chất bẩn... tôi đề nghị người dân cần để nguyên hiện trường vì liên quan đến việc định giá tài sản. Không thể hôm nay chúng làm chúng ta tẩy rửa, rồi mai chúng lại làm rồi mình lại tẩy rửa theo kiểu vậy được. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, tin tưởng các cơ quan pháp luật. Chính mình tự bảo vệ mình bằng cách tố cáo chúng đến các cơ quan chức năng, để chúng tôi xem xét giải quyết" - Thượng tá Nguyễn Đăng Nam cho biết.

Là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng hoạt động của dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp pháp luật khiến dư luận bất an. Tình trạng người dân đã bị các nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đe dọa, khủng bố tinh thần, kể cả hành hung buộc trả nợ, ép người thân gánh nợ dẫn đến nhiều hệ luỵ về trật tự xã hội. Không ít trường hợp vì sức ép phải cấn nợ bằng nhà, đất hoặc bỏ trốn biệt xứ… để được bình yên, tuy nhiên công an không thể can thiệp tranh chấp dân sự, chỉ có thể đến đảm bảo an ninh trật tự và can thiệp khi có hành vi gây rối an ninh trật tự....

Hiện nghị định cho phép loại hình kinh doanh này đã được ban hành cách đây 10 năm nên các đơn vị chức năng có báo cáo rà soát tổng thể, đánh giá trên nhiều khía cạnh mới có thể điều chỉnh được. Uỷ ban nhân dân TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và một phương án khác kiến nghị Trung ương bổ sung biện pháp tăng cường quản lý lĩnh vực này bằng các quy định để có thể xử lý khi các doanh nghiệp làm sai.

Vậy có nên cấm dịch vụ đòi nợ hay không? Nếu cấm có vi Hiến? Còn để dịch vụ  này tiếp tục hoạt động theo luật thì quản lý như thế nào cho hiệu quả? Báo sẽ tiếp tục đề cập trong bài 2 “Không nên khó quản thì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Môi giới nhà đất, đòi nợ thuê “chơi dài” sau Tết
Môi giới nhà đất, đòi nợ thuê “chơi dài” sau Tết

Nhiều sàn bất động sản, công ty đòi nợ thuê... chưa khởi động lại sau kỳ nghỉ Tết mà nghỉ thêm cả chục ngày nữa.

Môi giới nhà đất, đòi nợ thuê “chơi dài” sau Tết

Môi giới nhà đất, đòi nợ thuê “chơi dài” sau Tết

Nhiều sàn bất động sản, công ty đòi nợ thuê... chưa khởi động lại sau kỳ nghỉ Tết mà nghỉ thêm cả chục ngày nữa.

Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh
Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh

'Kinh doanh dịch vụ đòi nợ' nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. 

Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh

Dịch vụ đòi nợ thuê có thể bị cấm kinh doanh

'Kinh doanh dịch vụ đòi nợ' nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. 

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê
Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen, xã hội đen đòi nợ thuê...

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

Phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, xã hội đen đòi nợ thuê

VOV.VN - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tình trạng tín dụng đen, xã hội đen đòi nợ thuê...