Bình Định gặp khó trong khắc phục “thẻ vàng” của EC về hải sản

VOV.VN - Bình Định được chọn triển khai Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” của EC. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị giám sát nên công việc này đang gặp khó khăn.

Bình Định là 1 trong 3 địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn thí điểm triển khai Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo. Địa phương này đã tăng cường các biện pháp kiểm soát tàu cá đánh bắt trên biển. Thế nhưng, do thiếu thiết bị giám sát hành trình tàu cá, ngư dân chưa quen với việc khai báo, ghi chép nhật ký đánh bắt nên công việc này đang gặp khó khăn.  

Theo Luật Thuỷ sản mới, hải sản đánh bắt phải ghi nhận ký, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đánh bắt.

Sau gần 1 tháng đánh bắt trên biển, tàu cá của ông Văn Công Việt ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định vào bờ mang về hàng chục tấn cá tươi ngon. Tàu vừa cập cảng, hải sản đưa lên bờ đã có lực lượng chức năng kiểm tra sổ nhật ký đánh bắt, sản lượng khai thác và vùng đánh bắt. Sau khi kiểm tra, hải sản được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc rồi bán ra thị trường.

Ông Văn Công Việt cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên phổ biến các nội dung của Luật Thuỷ sản, bà con ngư dân cũng quen dần với việc ghi nhật ký đánh bắt trên biển: “Làm theo qui định của Quốc tế thì ngư dân cũng tuân thủ chấp hành theo chủ trương đó, nếu không tuân thủ thì EU không chấp nhận, không thu mua cá nữa thì ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi đi phải có giấy xuất cảng, khi về cũng có giấy nhập cảng để báo sản lượng, vùng đánh bắt. Hiện nay, ngư dân cũng đã sắm máy Movima có hệ thống giám sát hành trình gắn vào, ngư dân ra biển mở lên thì ở trong bờ lực lượng chức năng đều biết”.

Đến nay, tỉnh Bình Định đã thành lập 3 Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá Qui Nhơn (thành phố Qui Nhơn), Đề Ghi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) có sự phối hợp của đại diện Chi cục Thuỷ sản, Ban Quản lý cảng cá và Bộ đội Biên phòng. Chủ phương tiện trước khi xuất bến hoặc cập cảng đều báo Ban Quản lý cảng cá trước 1 giờ để làm thủ tục.

Ông Bùi Đình Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên tình trạng tàu cá của địa phương khai thác trái phép vùng biển nước ngoài giảm hẳn: “Tổ chúng tôi hiện có 5 người, kiểm soát rất chặt chẽ nên tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các điều cấm do Luật Thủy sản ban hành hạn chế rõ rệt. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và xử phạt vi phạm hành chính với những người cố tình vi phạm”.

Để khắc phục “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu âu (EC), tỉnh Bình Định đưa ra nhiều giải pháp mạnh như: lãnh đạo địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm nếu tàu cá trên địa bàn hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài. Trường hợp tàu cá vi phạm sẽ tước bằng thuyền trưởng và cấm hành nghề khai thác trong 6 tháng. Các địa phương tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết tuân thủ qui định khi đánh bắt trên biển; Tuyệt đối không được đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài; Hải sản đánh bắt phải ghi rõ nguồn gốc.

Nhiều chủ phương tiện ở Bình Định ký cam kết không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, một nửa số tàu cá ở địa phương đã ký cam kết không đánh bắt tại vùng biển nước ngoài: “UBND huyện Phù Mỹ đã giao trực tiếp cho Bộ đội Biên phòng, đóng địa bàn tại Phú Mỹ phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND các xã ven biển tổ chức tuyên truyền, qua đó tiếp tục tổ chức cho người dân ký cam kết. Đến nay, khoảng 50% chủ phương tiện cam kết không vi phạm vùng biển các nước khác”.

Tỉnh Bình Định đã xây dựng Đề án “Tổ chức thực hiện Luật thuỷ sản mới và triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định”. Mục tiêu của đề án này là phát triển nghề cá hiệu quả, bền vững. 100% tàu cá có chiều dài trên 24m, đánh bắt xa bờ đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. 2 giờ/lần, các thiết bị này sẽ tự động gửi thông tin vị trí đánh bắt về trạm bờ và Trung tâm quan sát tàu cá.

Tuy nhiên, theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, việc quản lý tàu cá hoạt động trên biển còn gặp nhiều khó khăn. Cả tỉnh có khoảng 3000 phương tiện đánh bắt xa bờ nhưng mới có hơn 560 phương tiện được gắn thiết bị Movima giám sát hành trình kết nối với trạm bờ. Số lượng tàu cá trễ hạn đăng kiểm lớn dẫn tới không kiểm tra, kiểm soát và cấp giấy xác nhận cho tàu cá xuất - nhập bến. Ngư dân vẫn chưa quen với việc ghi nhật ký hành trình khai thác thủy sản.

“Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác ở các vùng biển nước ngoài. Làm việc trực tiếp với các địa phương có ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài và đề nghị với các địa phương lập danh sách, đề nghị ngư dân này viết cam kết. Cùng với đó, chúng tôi đang hợp tác với Công ty cổ phần thiết bị Hàng hải- Mecom trong việc khảo sát thí nghiệm, nâng cấp các thiết bị để tự động nhắn tin về 2 giờ/lần. Phía trong bờ, chúng tôi cũng nâng cấp 2 trạm bờ hiện tại và xây mới 2 trạm bờ nữa thành 4 trạm bờ. Nếu việc thử nghiệm đạt kết quả tốt thì sẽ xin chủ trương của tỉnh để ký hợp đồng nâng cấp”.

Tại tỉnh Bình Định, giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu về chống khai thác trái phép, không rõ nguồn gốc, không khai báo. Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Bình Định cũng như 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước cần triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản và khắc phục "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Việc chuyển đổi một nghề khai thác thuỷ sản một cách tự phát toàn dân, kém bền vững, không hiệu quả và nhiều rủi ro sang một ngành khai thác thuỷ sản một cách bền vững, có trách nhiệm, chuỗi giá trị hội nhập. Đây là đòi hỏi tất yếu và khẳng định đây là yêu cầu của nền kinh tế và của người dân. Do vậy tập trung vào việc triển khai Luật Thuỷ sản và tập trung các biện pháp khắc phục nhanh sớm để EU rút thẻ vàng vừa là nhiệm vụ chiến lược, vừa là nhiệm vụ thời sự phải làm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủy sản Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EU
Thủy sản Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EU

VOV.VN - Việt Nam đang cố gắng nỗ lực để EU thu hồi "thẻ vàng" và tập trung phát triển thủy sản bền vững trong thời gian tới.

Thủy sản Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EU

Thủy sản Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EU

VOV.VN - Việt Nam đang cố gắng nỗ lực để EU thu hồi "thẻ vàng" và tập trung phát triển thủy sản bền vững trong thời gian tới.

Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

VOV.VN - “Thẻ vàng” đã khiến xuất khẩu thủy sản vào EU rơi từ vị trí số 1 xuống thứ 4. Do đó, Bộ NN & PTNT xác định gỡ ‘thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

Vì sao EU chưa gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

VOV.VN - “Thẻ vàng” đã khiến xuất khẩu thủy sản vào EU rơi từ vị trí số 1 xuống thứ 4. Do đó, Bộ NN & PTNT xác định gỡ ‘thẻ vàng” là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.