Bình Định tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
VOV.VN - Chiều nay (26/6), UBND tỉnh Bình Định tổ chức đối thoại với hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh. Tại buổi đối thoại, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền các cấp linh hoạt giải quyết các vấn đề, không quá máy móc áp dụng các quy định mà cần phải tìm cách giải quyết phù hợp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Định chỉ tăng 0,08%, giá trị sản xuất công nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế cũng chỉ tăng 3,49%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh này ước đạt 720 triệu đô la Mỹ, giảm 15,6%. Nhiều ngành sản xuất chủ lực của tỉnh Bình Định như sản xuất gỗ, may mặc, thủy sản gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm, giảm nguồn thu ngân sách. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Tại buổi đối thoại, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho rằng, khi thực hiện một số quy định trong gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đã khiến việc nhập nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm thủy sản một số thị trường cũng gặp khó khăn. Hạ tầng cảng cá ở tỉnh Bình Định chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu, đề nghị tỉnh sớm nâng cấp cảng cá đạt tiêu chuẩn để doanh nghiệp thuận tiện mua nguyên liệu.
“Hiện nay cảng cá quá chật, chỉ cấp cho một cơ sở nhưng chỉ có 25m2. Cảng cá chật như vậy, tàu bè vào rất khó khăn. Chờ đợi xếp lớp kể cả ngày trời mới cân được cá. Cảng cá lớn cũng đang đầu tư. Nếu đang đầu tư thì xem lại tất cả quy định của EU đối với cảng cá để chúng ta làm một lần luôn” - bà Lan nêu ý kiến.
6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ tỉnh Bình Định khoảng 450 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, các doanh nghiệp gỗ ở tỉnh Bình Định đang thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ dài ngày ảnh hướng đến thu nhập, đời sống của người lao động…
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định đề nghị, các ngân hàng thương mại ở địa phương cần sớm thực hiện Thông tư số 02/2022 của Ngân hàng Nhà nước về gia hạn nợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giảm tỷ lệ thế chấp tài sản, giảm lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp.
Theo ông Lê Minh Thiện, các doanh nghiệp gỗ đang gặp nhiều khó khăn về công tác phòng cháy chữa cháy, đề nghị các ngành chức năng tỉnh Bình Định có giải pháp tháo gỡ tạm thời để doanh nghiệp đầu tư và sản xuất. “Để thuận tiện hơn nữa trong vấn đề phòng cháy chữa cháy để các doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động và một số doanh nghiệp đang tập trung đầu tư mới có điều kiện đầu tư. Nếu giữ nguyên thế này mà không có động thái hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp thì rất khó cho doanh nghiệp. Chưa có quyết định cụ thể nào anh làm như thế là đúng, tôi sẽ ủng hộ anh ngay. Làm nhưng nơm nớp lo sợ, đặc biệt muốn đầu tư mới lại rắc rối.”, ông Thiện nói.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT, thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, cho doanh nghiệp nợ, giãn nộp thuế theo thời gian quy định, gia hạn tiền thuê đất. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, xem xét giảm đến mức thấp nhất việc lập dự án và thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo, hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình; giảm tần suất kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ chuyển từ chính quyền hành chính sang phục vụ doanh nghiệp, công khai minh bạch và nhất quán. Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đang tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quan điểm định hướng của Trung ương, Chính phủ đối với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tập trung tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta bị ảnh hưởng thiệt hại kép rất nhiều thứ. Tỉnh ta các lĩnh vực trọng yếu đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp tập trung đổi mới kinh doanh, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là lúc chúng ta tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Các cơ quan chính quyền phải thay đổi căn bản từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ, lấy người dân làm trung tâm theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng” - ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.