Bình Dương muốn bỏ các trạm thu phí để giảm áp lực cho doanh nghiệp
VOV.VN - Bình Dương chủ trương bỏ các trạm thu phí trên các tuyến đường của tỉnh để giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Những năm qua, Bình Dương đã huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn từ xã hội hóa theo hình thức BOT, giúp cho hạ tầng Bình Dương phát triển hiện đại và đồng bộ.
Bình Dương tháo dỡ các trạm thu phí giảm áp lực cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Internet) |
Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp, vì làm tăng chi phí và thời gian đi lại. Trước thực trạng đó, Bình Dương chủ trương bỏ các trạm thu phí trên các tuyến đường của tỉnh và đã được các doanh nghiệp hưởng ứng.
Bắt đầu từ tháng 8, trạm thu phí trên ĐT743 tại phường An Phú, thị xã Thuận An, do Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, đã được tháo dỡ, tạm ngừng hoạt động. Đây là trạm thu phí mới nhất được Bình Dương tháo dỡ, nhằm tiến tới giảm dần số trạm thu phí giao thông trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 1 tháng tháo dỡ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên đường DT 743 từ Miễu Ông Cù đến ngã tư 550 đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Lê Minh Hải ở Phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, từ ngày bỏ trạm thu phí, tình trạng kẹt xe giảm hẳn.
Việc tháo dỡ trạm thu phí trên ĐT 743 ở phường An Phú, với mục đích chính là nâng cấp và mở rộng đường ĐT 743 từ Miễu ông Cù đến Sóng Thần. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương sau quốc lộ 13. Theo chủ đầu tư dự án, Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC, sau khi nâng cấp và mở rộng đường ĐT 743 từ Miễu Ông Cù đến Sóng Thần, đơn vị sẽ không mở lại trạm thu phí, mà sẽ xóa bỏ luôn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang triển khai thêm nhiều tuyến giao thông huyết mạch khác của Bình Dương như đường Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 742. Điều đáng nói là theo chủ trương trước đó, Becamex IDC sẽ tiếp tục mở thêm 6 trạm thu phí giao thông nữa, tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị đã cam kết sẽ không mở thêm trạm thu phí đối với các tuyến đường đang được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC cho biết, trong thời gian tới những doanh nghiệp đã đầu tư ở Bình Dương cũng như những doanh nghiệp đã tìm hiểu và chuẩn bị đầu tư Bình Dương nếu có trạm thu phí này thì sẽ là áp lực lớn.
Các công trình cầu vượt trên quốc lộ 13, nâng cấp mở rộng các tuyến đường động lực ở Tân Uyên, ĐT 743 từ Miễu Ông Cù đến Sóng Thần và Mỹ Phước – Tân Vạn có tổng số vốn đầu tư cho phần xây lắp là gần 11 ngàn tỷ đồng. Đây thật sự là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh sẽ không mở thêm các trạm thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, để triển khai các dự án giao thông ở Bình Dương, Becamex IDC sẽ sử dụng nguồn vốn vay và lấy nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để bù đắp.
Tuy nhiên, về lâu về dài, doanh nghiệp mong muốn tỉnh cần có những cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức công tư.
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Bình Dương đang có những nỗ lực để thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Do đó, việc nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông và từng bước dỡ bỏ thêm các trạm thu phí giao thông sẽ tạo những lợi thế trong quá trình cạnh tranh thu hút đầu tư trong thời gian tới./. Kinh doanh trạm thu phí BOT: Nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro