Bình Dương sẽ thu hồi các dự án đầu tư công cố tình chây ỳ, kéo dài

VOV.VN - Đã hơn nửa năm 2022 trôi qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư công ở Bình Dương vẫn rất thấp.

Điều này thể hiện rõ những hạn chế và đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, địa phương để đảo ngược tình thế trong nửa cuối năm. Bởi, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không những làm chậm tiến độ xây dựng các dự án, mà còn tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương.

Tiền vẫn nằm trong “két”

Những năm gần đây, số lượng phương tiện qua lại Bình Dương nhiều, gây áp lực không nhỏ lên tuyến đường Quốc lộ 13. Cũng chính vì vậy mà tình hình kẹt xe trên tuyến quốc lộ này liên tục xảy ra. Nhằm giải tỏa ách tắc giao thông, UBND tỉnh đã giao Ban quản lý dự án đầu tư-xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư thực hiện mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ nút giao Đại lộ Tự Do (khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (thành phố Thủ Dầu Một) với nguồn vốn đầu tư năm 2022 là 101 tỷ đồng, vốn kéo dài từ năm 2021 sang 2022 là 290 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, vốn vẫn nằm trong két, chưa được giải ngân.

Là một người dân thường xuyên đi lại trên Quốc lộ 13, ông Lê Anh Hựu ngán ngẩm trước cảnh kẹt xe và mong muốn dự án giao thông quan trọng này sớm được thực hiện.

“Tình hình giao thông ở đây phức tạp, cụ thể là nạn kẹt xe, ùn ứ xảy ra nhiều giờ trong ngày. Các phương tiện xe lớn chạy hàng ba, hàng tư, xe máy phải chạy lên hành lang. Là người hay qua đây thường xuyên tôi cảm thấy rất bất an. Tình trạng kẹt xe như vậy người tham gia giao thông cũng vất vả, khổ, nguy hiểm; còn các hộ dân mướn ki -ốt hai bên đường cũng không mua bán được” - ông Lê Anh Hựu nói.

Cũng được bố trí với số tiền khá lớn là 297,5 tỷ đồng cho năm 2022 và 208,2 tỷ đồng chưa xài hết của năm 2021 chuyển sang, nhưng đến nay dự án Nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn (thành phố Thuận An) đến ngã ba giao với tuyến đường Đài Liệt sĩ Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) cũng chưa được giải ngân vốn. Trong khi đó, lưu lượng xe cộ đi qua tuyến đường này càng ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng thường xuyên kẹt xe.

Không chỉ lĩnh vực giao thông mà việc giải ngân cho nhiều dự án môi trường, thủy lợi cũng hết sức chậm chạp, như: Dự án Hệ thống thoát nước khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, ở thành phố Dĩ An; Hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây - Mai Trung - Việt Hương 2… Lĩnh vực y tế thì có Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) và thiết bị bệnh viện, với vốn đầu tư lớn nhưng đến nay việc giải ngân còn chậm.

Các công trình môi trường, thủy lợi giải ngân chậm kéo theo một số hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, ngập úng mỗi khi mưa xuống. Còn dự án y tế bị chậm trễ thì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh của người dân.

Ông Chương Ngọc Quang, ở xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương bày tỏ bức xúc khi có người nhà đang điều trị tại Khoa Chấn thương-Chỉnh hình, Bệnh viện tỉnh Bình Dương, nhưng do quá tải phải nằm ở hàng lang,

“Bây giờ đủ các loại bệnh tật, bệnh viện càng nhiều thì càng phục vụ được nhu cầu của người dân. Mọi người dân ai cũng muốn người nhà mình bị bệnh đi khám được thoải mái, ai muốn chật chội, chen chúc đâu” - ông Chương Ngọc Quang nói.

Thu hồi nếu chủ đầu tư cố tình kéo dài

Lí giải về giải ngân vốn đầu tư công chậm, Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Dương cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả. Giá đất ở Bình Dương ngày một tăng cao, người dân chưa thống nhất với đơn giá bồi thường, gây khó khăn trong việc thu hồi đất. Hiện giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao so với dự toán được phê duyệt nên việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công của các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh dự toán. Mặt khác, văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng thường xuyên thay đổi, gây lúng túng cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

Việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Chậm giải ngân vốn đầu tư công còn làm lãng phí nguồn lực của xã hội khi có tiền nhưng không thể tiêu, trong khi nhiều lĩnh vực khác cũng rất cần nguồn lực để đầu tư.

Cũng vì lẽ đó, qua các đợt tiếp xúc cử tri với lãnh đạo các cấp, các cử tri Bình Dương liên tục lên tiếng về việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì vai trò giám sát của HĐND các cấp vô cùng quan trọng. Mỗi công trình, dự án được giám sát sẽ từng bước phát hiện mặt hạn chế để khắc phục.

Cử tri Nguyễn Văn Bảo, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nói: “Vấn đề kiểm tra giám sát đối với các dự án phải chấp hành nghiêm túc, phải tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục. Tránh việc chủ đầu tư nhận rồi dàn trải, không thực hiện. Chúng tôi thấy, nếu không thực hiện thì phải kiên quyết thu hồi. Không để các dự án đó cho chủ đầu tư mà họ cứ kéo dài, không đủ năng lực để làm”.

HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, mỗi năm đều tổ chức đoàn giám sát, riêng đầu năm 2022 đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm. Qua giám sát đã nắm rõ nguyên nhân, hạn chế và đề xuất, kiến nghị giải pháp khả thi tháo gỡ "nút thắt".

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương khẳng định, thời gian tới, thường trực HĐND tỉnh không chỉ tổ chức giám sát các dự án đầu tư công mà sẽ tái giám sát để kiểm tra tình hình thực hiện của các đơn vị.

“Những trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài, không thực hiện dự án thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định pháp luật là sẽ thu hồi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương hết sức hỗ trợ nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư cũng có những khó khăn khách quan và chủ quan. Đối với các nguyên nhân khách quan, về cơ chế, chính sách thì chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư để làm sao đưa việc thực hiện dự án đó đi vào thực hiện một cách nhanh chóng nhất” - bà Nguyễn Trường Nhật Phượng nói.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương lên tới 8.909 tỷ đồng, tuy nhiên đến hết tháng 5, chỉ mới giải ngân được 20,5%, đạt 13,7% kế hoạch. Với những khó khăn trước mắt, Bình Dương dự kiến mức giải ngân cả năm 2022 khoảng 8.101 tỷ đồng, đạt 90,9%. Nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, để tiền không còn nằm trong két thì những tháng còn lại của năm 2022, lãnh đạo Bình Dương cần quyết liệt hơn xử lý “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình mới chỉ đạt hơn 16%
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình mới chỉ đạt hơn 16%

VOV.VN - Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công và chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình mới chỉ đạt hơn 16%

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình mới chỉ đạt hơn 16%

VOV.VN - Tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công và chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới đạt 13,5%
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới đạt 13,5%

VOV.VN - UBND TP.HCM cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng năm 2022 khá thấp, mới 13,5% tổng kế hoạch vốn giao.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới đạt 13,5%

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM mới đạt 13,5%

VOV.VN - UBND TP.HCM cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng năm 2022 khá thấp, mới 13,5% tổng kế hoạch vốn giao.

Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công vùng đồng bằng sông Cửu Long
Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công vùng đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN - Hiện nay, tỉnh Tiền Giang tiếp tục dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công trong khu vực.

Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công vùng đồng bằng sông Cửu Long

VOV.VN - Hiện nay, tỉnh Tiền Giang tiếp tục dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công trong khu vực.