Blockchain là “con dao sắc” rất cần cho nền kinh tế số
VOV.VN - Công nghệ Blockchain như một con dao rất sắc, tuy nhiên sử dụng ra sao để có lợi và góp phần phát triển nền kinh tế mới quan trọng.
Phát biểu tại Diễn đàn Việt Nam Blockchain Summit (VBS), với chủ đề "Từ công nghệ tới chính sách", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, công nghệ Blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Blockchain có khả năng ứng dụng rất lớn ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. |
"Tuy nhiên, dao sắc quá có thể làm đứt tay hay có thể lợi dụng dùng vào những công việc mờ ám, khiến cơ quan chức năng khó truy vết, quản lý hơn", ông Đặng Hoàng Hải đặt vấn đề.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, Trung Quốc cũng là một cường quốc trên thế giới về công nghệ và phát triển kinh tế đã coi Blockchain là công cụ quan trọng để tập trung nghiên cứu, phát triển trong thời gian tới.
"Để sử dụng Blockchain hiệu quả tại Việt Nam, cơ quan chức năng, doanh nghiệp tiên phong... cần sự trung thực và dũng cảm mới có thể đưa Blockchain ứng dụng tốt cho nền kinh tế", ông Hải nhấn mạnh.
Hiện nay mọi người mới chỉ biết Blockchain qua tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số, tuy nhiên ứng dụng của Blockchain còn lớn hơn nhiều. Ông Hải đánh giá, Blockchain hiện chưa gắn được vào thị trường Việt Nam thông qua các ứng dụng cụ thể có thể được tạo ra nhờ Blockchain.
Thế nhưng cũng cần tránh việc phát triển rầm rộ nhưng thiếu thị trường. "Cụ thể như trước đây rầm rộ với Global GAP nhưng nhiều địa phương không có thị trường. Sản phẩm làm ra tốt nhưng không có thị trường, người dân chịu thiệt hại. Tương tự như vậy, Blockchain cũng cần có thị trường cụ thể mới có thể phát triển được", ông Hải khuyến cáo.
Theo các chuyên gia công nghệ, Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đặc biệt là ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tuy nhiên tới nay hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.
Đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn của Blockchain với nền kinh tế số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số./. Blockchain và trí tuệ nhân tạo đem đến cơ hội tăng trưởng kinh tế