Bộ Công Thương cùng Lạng Sơn tìm cách tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu
VOV.VN - Hôm nay (23/2) Đoàn công tác Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu.
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, hiện tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là gần 2.000 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu chiếm gần 75%. Tuy nhiên, trung bình một ngày tại 3 cửa khẩu chỉ xuất được khoảng 100 xe. Trước tình hình đó, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cũng vừa có văn bản về việc tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế, việc tạm dừng sẽ kéo dài đến ngày 5/3 tới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại cùng cấp để đạt được các nhận thức chung, thống nhất các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan một cách thông suốt, ổn định, lâu dài. Bộ Trưởng đánh giá cao nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn, song cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng hỗ trợ kỹ thuật cho lái xe, chủ hàng, doanh nghiệp XNK khai báo, thực hiện thủ tục trên nền tảng cửa khẩu số.
Chính quyền và ngành chức năng Lạng Sơn tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là thiết lập vùng đệm, giữ vững vùng xanh tại khu vực cửa khẩu. Lạng Sơn cần thường xuyên giữ mối liên hệ với các địa phương là vùng trồng, vùng nguyên liệu nông, thủy sản, các hiệp hội ngành hàng để điều tiết phương tiện vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu từ sớm, từ xa cũng như có các khuyến cáo, cảnh báo rủi ro cho các thương nhân, doanh nghiệp, chủ hàng có hoạt động XNK qua địa bàn ...
Để tháo gỡ tình trạng ùn ứ phương tiện xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã rất tích cực trao đổi, hội đàm với phía nước bạn Trung Quốc và mới đây, địa phương này đã cơ bản thống nhất với nước bạn về 2 phương thức giao nhận hàng mới tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.
Theo đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, sẽ tổ chức giao hàng theo cách thức là xe đưa hàng lên đến bãi tập kết tại cửa khẩu Hữu Nghị, tháo rời container để đầu kéo quay trở về nội địa, sau đó phía Trung Quốc sẽ đưa đầu kéo của họ sang để lấy hàng hóa kéo về phía bạn. Sau khi giao hàng xong, phía Trung Quốc sẽ trả lại container rỗng. Như vậy, phía ta sẽ không sang phía Trung quốc giao hàng nữa, mà sẽ thực hiện giao hàng ngay ở bến bãi tại cửa khẩu Hữu Nghị. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, xe chở hàng hóa xuất khẩu sẽ sang đến bến bãi phía Trung Quốc và cắt container để lại, đầu kéo sẽ 1 là kéo container không về, 2 là nếu có hàng hóa của phía Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam thì sẽ kéo container có hàng hóa đó quay về. Như vậy tình hình thông quan sẽ được cải thiện đi rất nhiều.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi đã hội đàm với nước bạn về 2 phương thức giao nhận hàng mới tại này và phía bạn cơ bản đã thông nhất phương án đó để triển khai. Nếu làm được như vậy, tốc độ thông quan sẽ được cải thiện rất nhiều, tránh việc xe hàng mình trước đây cứ phải đi sang phía Trung Quốc và phải chờ đợi, mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi cũng đang tiến hành thử nghiệm nền tảng cửa khẩu sổ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Tỉnh cũng thành lập Tổ công tác để chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện cửa khẩu số do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Hiện nay ở 2 cửa khẩu chúng tôi đều bố trí các lực lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, lái xe thực hiện khai báo trên nền tảng cửa khẩu số, nếu như họ có khó khăn trục trặc gì thì tổ công tác sẽ ứng trực thường xuyên, “cầm tay chỉ việc” để hỗ trợ, hướng dẫn họ. Nếu như có phát sinh lỗi, trục trặc về hệ thống phần mềm thì sẽ ứng trực để xử lý giải quyết trong thời gian nhanh nhất. Tất cả đều trên tinh thần vướng mắc ở đâu xử lý ngay ở đó, không để xảy ra ách tắc trong hoạt động xuất nhập khẩu”./.