Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo nguồn cung xăng dầu
VOV.VN - Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cam kết đảm bảo năng lực sản xuất của các nhà máy lọc hoá dầu trong nước, tăng công suất lên mức tối đa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại cuộc họp chiều nay nay (9/2) nhằm tìm giải pháp điều hành thị trường xăng dầu, đảm bảo đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, không thiếu nguồn cung xăng dầu tại thị trường xăng dầu trong nước, năng lực của các nhà sản xuất và nhập khẩu cung ứng xăng dầu cũng như nguồn dự trữ trong nước vẫn đang đáp ứng đủ.
Tuy nhiên, trước phản ánh có hiện tượng thiếu cục bộ ở một số địa phương, có tình trạng găm hàng, đầu cơ chờ tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với tất cả những doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và doanh nghiệp đầu mối phải xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Trong những ngày tới, chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng để yêu cầu các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phải cam kết chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, nếu không thực hiện nghiêm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Cùng với đó phải có kế hoạch nhập đủ lượng xăng dầu để bán ra theo kế hoạch, theo định mức bình quân trên địa bàn, phải bảo đảm niêm yết giá và bán đúng giá theo quy định…
“Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) sẽ phải chỉ đạo để tăng năng lực sản xuất, cung ứng ra thị trường xăng dầu với công suất cao nhất có thể. Tập đoàn Dầu khí quốc gia phải yêu cầu lọc hóa dầu Bình Sơn, lọc hóa dầu Dung Quất cùng các doanh nghiệp trong hệ thống tăng công suất lên mức tối đa. Đồng thời phải công khai khả năng cung ứng ra thị trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đồng thời PVN phải tiếp tục đàm phán với các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Hiện nay, thời gian của các kỳ điều hành giá xăng, dầu theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được rút ngắn xuống còn 10 ngày (thay vì 15 ngày như trước đây) song nhiều doanh nghiệp kiến nghị vẫn là dài, chưa theo kịp với so với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, trong đó có việc kiến nghị rút ngắn thời gian điều hành giá xăng, dầu trong các trường hợp đặc biệt theo hướng ngắn hơn 10 ngày nếu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý./.