Bộ Công Thương: Nhập khẩu điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế
VOV.VN - Nhập khẩu điện được thực hiện theo các Hiệp định, cơ chế hợp tác quốc tế quy định duy trì liên kết lưới điện vùng và khu vực nhưng mục tiêu lớn vẫn là đảm bảo tính hiệu quả kinh tế.
Tại cuộc họp trao đổi thông tin về tình hình cung ứng điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 26/5, lý giải việc Việt Nam phải nhập khẩu điện từ một số quốc gia láng giềng, trong khi nguồn điện năng lượng tái tạo vẫn chưa được tận dụng hết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và xuất khẩu điện sang Campuchia. Hoạt động xuất, nhập khẩu điện từ các quốc gia này được thực hiện trên cơ sở hệ thống lưới điện liên kết trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Cụ thể, quá trình nhập khẩu điện từ Trung Quốc đã được tiến hành từ năm 2005, hoạt động này vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế vừa góp phần cung ứng điện cho miền Bắc. Còn việc nhập khẩu điện từ Lào thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ. Hiện công suất điện Việt Nam mua từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào khoảng 4 triệu kWh/ngày. Theo Hiệp định đối với Lào, Việt Nam đã mua điện với công suất tối thiểu 3.000 MW trong giai đoạn 2020 - 2025 và tối thiểu là 5.000 MW giai đoạn 2025 - 2030, tương ứng vào khoảng 7 triệu kWh/ngày.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, công suất điện nhập khẩu hiện nay vào khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày là mức tương đối thấp không nói là quá nhỏ, nếu so với tổng nguồn cung toàn hệ thống, khi sản lượng tiêu thụ điện của riêng miền Bắc đã đạt khoảng 450 triệu kWh/ngày.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, việc duy trì nhập khẩu điện không hoàn toàn chỉ căn cứ trên giá mua - bán giữa các quốc gia. Hoạt động này còn đảm bảo mục tiêu lớn hơn trong việc duy trì hợp tác lưới điện giữa Việt Nam với Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, cũng như tương lai sẽ là lưới điện liên kết chung trong khu vực ASEAN.
“Trong Quy hoạch điện VIII mới được Chính phủ phê duyệt đã có hướng tới việc xuất khẩu điện năng lượng tái tạo sang các quốc gia láng giềng khác. Thậm chí liên kết cả hệ thống trong khu vực và coi đây là việc hợp tác của một liên ngành, trong đó mục tiêu lớn vẫn là đảm bảo tính hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn điện năng lượng tái tạo trong nước sẽ được ngành điện thực hiện triệt để, nếu các dự án đó đảm bảo đầy đủ yếu tố pháp lý”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An giải thích.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng điện tái tạo trong nước không được hòa lưới điện gây ra lãng phí, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và giải pháp.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau) nêu ý kiến, quy hoạch nguồn điện trong nước chưa biết dồn trọng tâm để khai thác hết lợi thế. Trong khi Việt Nam là cường quốc điện gió và mặt trời, nhưng vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.
“Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời vì được thiên nhiên ưu đãi, nhưng năng lượng mặt trời, năng lượng gió mãi mới đưa vào Quy hoạch điện VIII, sao không đưa vào Quy hoạch điện VII? Điện gió, điện mặt trời bây giờ sản xuất thừa nhưng DN không thể đấu nối hòa mạng, lãng phí thế ai chịu trách nhiệm? Tại sao có những nghịch lý này là vấn đề Quốc hội phải mổ xẻ”, Đại Lê Thanh Vân nêu loạt câu hỏi.
Cùng bày tỏ quan tâm về cung ứng và vận hành lưới điện, Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn ĐBQH Cà Mau) nhận xét, trong bối cảnh năm nào cũng thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng, nhưng lại có đến hơn 4.600MW điện tái tạo trong nước không được đưa vào hòa điện lưới quốc gia.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, điện là tài sản quốc gia nên không thể để lãng phí, có những nguyên nhân từ vướng mắc của thủ tục nhưng thủ tục cũng do con người đặt ra. Do đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh yêu cầu ngành điện cần phải có nhiều cải cải cách, giải quyết những vướng mắc về mặt thủ tục để không lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có.
Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) mới đây cũng khẳng định, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
Theo đó, việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỉ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, các công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để đảm bảo hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng/thỏa thuận đã ký. Đồng thời, Bộ này cũng đã chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện./.