Bộ Công Thương nói gì về đề xuất hạch toán lỗ của EVN vào giá điện?
VOV.VN - Bộ Công Thương mới có thông tin giải thích về đề xuất hạch toán khoản lỗ của EVN vào cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân khi cho rằng có cơ sở và đúng luật.
Bộ Công Thương mới xây dựng Dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đang được đưa ra lấy ý kiến. Có ý kiến cho rằng, đề xuất mới về việc hạch toán khoản lỗ (chênh lệch tỷ giá, lỗ kinh doanh…) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là không phù hợp. Phản hồi về ý kiến này, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có thông tin giải thích về đề xuất trên khi cho rằng, cơ sở đề xuất quy định cho thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN trong giá điện là đúng luật.
Giá điện tăng 3% chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, cơ sở để đưa ra đề xuất trên đã được xem xét dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tế, cũng như ý kiến của các Bộ, ngành... Cụ thể, Điều 4 Quyết định 24 quy định: Các thành phần cấu thành nên giá bán lẻ điện bình quân hàng năm bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN) và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Cũng tại Quyết định 24 quy định, các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ, được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm tính giá do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hàng năm. "Quyết định 24 quy định việc các khoản chi phí đã phát sinh nhưng chưa được tính vào giá điện trong các lần điều chỉnh trước đây, sẽ được xem xét để tính toán phân bổ vào giá điện của kỳ đang tính toán", Cục Điều tiết Điện lực nêu.
Phản hồi từ Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết, từ giữa quý I/2022, giá nhiên liệu thế giới đã tăng cao do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, dẫn đến làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu, hoặc có giá nhiên liệu tham chiếu theo giá thị trường. Chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (đã tính đến các khoản doanh thu và thu nhập khác từ hoạt động cho thuê cột điện và hoạt động tài chính).
Bước sang năm 2023, giá nhiên liệu tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước năm 2022, gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN. Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4/5 (mức tăng thấp nhất theo quy định), Cục Điều tiết Điện lực giải thích là để đảm bảo tác động đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của DN và đời sống của người dân là thấp nhất.
Cục này khẳng định, mức tăng chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá (chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN). Thực tế 2 năm 2022 và 2023, việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện. Hơn nữa, dự thảo mới cũng đã quy định rõ, các khoản chi phí khác chưa được phân bổ vào giá điện cần xác định theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán, tức theo giá thành thực tế và có sự kiểm tra, giám sát của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Thu hồi đủ các chi phí thông qua giá điện
Theo Cục Điều tiết Điện lực, các khoản chi phí đầu vào của các năm 2022, 2023 theo quy định tại Quyết định 24 được thu hồi thông qua giá điện, nhưng thực tế chưa được thu hồi (năm 2022 không tăng giá điện) và thu hồi chưa đầy đủ (năm 2023 chỉ tăng mức thấp nhất), nên cần được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh giá điện tiếp theo.
Dẫn quy định tại Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), Cục Điều tiết Điện lực nêu rõ quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước là "Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật phù hợp với mặt bằng thị trường bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ".
Đồng thời, Cục Điều tiết Điện lực cũng khẳng định, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp. Do đó, tại dự thảo mới đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế để đảm bảo các chi phí chưa được thu hồi đủ trong các lần điều chỉnh giá điện, cần được xem xét thu hồi trong các lần điều chỉnh tiếp theo. "Nếu không có quy định cụ thể về việc xem xét thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện trong quá khứ, sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN, khi hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài", Cục Điều tiết Điện lực giải thích.