Bộ GTVT sẽ đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách áp sàn giá vé máy bay nội địa
VOV.VN - Bộ GTVT sẽ xem xét đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân...
Liên quan đến đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về điều chỉnh áp giá sàn vé bay nội địa, Bộ GTVT vừa phát đi thông cáo, trong đó đưa ra quan điểm phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, tại Thông báo số 223/TB-VPCP ngày 24/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 2/2021 ngày 13/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Trên cơ sở này, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
"Hiện nay, Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án về Bộ GTVT, tuy nhiên đây là một vấn đề có tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học, đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không; bên cạnh đó cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo", lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Chính vì vậy, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 31/8, Bộ GTVT nhận được Công văn của Cục Hàng không Việt Nam về xây dựng Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 (sau đây gọi tắt là dự thảo Thông tư).
Tại Dự thảo, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500-850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850km-dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng; đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được phía Cục Hàng không Việt Nam khẳng định là “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.
Trước đề xuất này của Cục Hàng không, nhiều chuyên gia kinh tế và giao thông cho rằng sẽ trái với Luật Giá và quy luât thị trường cạnh tranh, người chịu thiệt là hành khách./.