Bộ Ngoại giao lên tiếng về an ninh lương thực của Việt Nam

VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đủ gạo và thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như đóng góp cho thế giới thông qua việc xuất khẩu.

Tại họp báo thường kỳ chiều 3/11, trả lời câu hỏi về nguy cơ Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng an ninh lương thực từ những động thái liên quan đến Thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đủ lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Cần phải khẳng định là Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và coi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thống kê, mỗi năm Việt Nam sản xuất được từ 41-43 triệu tấn lúa gạo và khoảng 6,5 triệu tấn thịt các loại đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước Việt Nam. Đồng thời với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp, nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng đã có những đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

Cũng theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2 % so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Dự kiến, 4 tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn.

“Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm và xử lý vấn đề này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên