Bộ Tài chính: Tăng thuế GTGT tác động tới người nghèo không nhiều
VOV.VN -Bộ Tài chính dự kiến tác động của tăng thuế GTGT đối với người dân, đặc biệt là với người nghèo, người thu nhập thấp là không nhiều.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã làm rõ nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, bao gồm Luật thuế Giá trị gia tăng - (GTGT) - VAT, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật thuế Tài nguyên.
Ảnh minh họa
Liên quan đến thuế GTGT, có ý kiến cho rằng thuế GTGT tăng có thể khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo kết quả khảo sát mức sống người dân Việt Nam năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, nhóm người thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Ngược lại, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các khoản này. Trong các nhóm hàng hoá dịch vụ đó, y tế, giáo dục và lương thực, thực phẩm của người sản xuất trực tiếp bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế. Còn nhóm lương thực, thực phẩm ở khâu kinh doanh thương mại chịu thuế suất thấp là 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, đầu vào nông nghiệp cũng đang ở mức thấp là 5%, dự kiến tăng lên 6%.
“Hơn nữa, hiện nay Nhà nước cũng có nhiều chính sách an sinh xã hội với người nghèo, người thu nhập thấp trong xã hội như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở…” –bà Mai nói.
Ngoài ra, đối với ý kiến tăng thuế liệu có tác động đến lạm phát, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá và kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của tăng thuế GTGT với lạm phát tương đối hạn chế.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, có rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, về thuế GTGT, dự án luật quy định: chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT; Bổ sung quy định DN sản xuất hàng hoá cung ứng dịch vụ chịu thuế 5%, nếu chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng thì được hoàn thuế; Bỏ quy định về tỷ lệ 51% thì không được hoàn thuế…
Về thuế TNDN, nhiều nội dung tạo thuận lợi cho DN như ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN cho DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội thông qua. Ưu đãi cho DN công nghệ thông tin (CNTT), DN đầu tư cải tạo chung cư cũ, hay quy định về phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản hơn với DN siêu nhỏ.
Đối với thuế TNCN, các nội dung sửa đổi gồm: thu thuế TNCN đối với khoản lợi tức từ cổ phần của thành viên HTX nông nghiệp, nông dân ký kết hợp đồng; Quy định miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện theo các nghị định; chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực NN, CNTT, chế biến nông sản; Điều chỉnh giãn bậc, giảm nghĩa vụ của cá nhân ở các bậc thu nhập ở mức thấp trong biểu thuế TNCN; Sửa đổi quy định quyết toán để đơn giản, dễ thực hiện…/.