Bộ Tài chính ủng hộ giảm giá điện để hỗ trợ chống dịch Covid-19

VOV.VN - Bộ Tài chính ủng hộ giảm giá điện do Covid-19 nhưng cơ quan này lưu ý, EVN phải tính toán để không thành khoản lỗ treo, gây áp lực tăng giá năm 2021.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về các giải pháp chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại dịch Covid-19, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19 là cần thiết, song cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán lại chi phí đầu vào, cân đối phương án tránh để thua lỗ.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ngày 1/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Công văn số 2015/EVN-KD báo cáo chương trình giảm giá điện và an sinh xã hội để hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19, với mức giảm từ 10%, 50% đến 100% cho một số đối tượng trong 6 tháng (từ tháng 4 – 9/2020). Tổng mức hỗ trợ khoảng 8.000 tỷ đồng.

EVN phải tính toán giảm giá điện để không thành khoản lỗ treo, gây áp lực tăng giá trong năm 2021. (Ảnh minh họa: KT)

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng có Báo cáo số 22/BC-BCT ngày 1/4 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm 10 - 20% giá điện cho một số đối tượng, thời gian áp dụng 3 tháng (từ tháng 4 - 7/2020), với tổng mức hỗ trợ khoảng 11.000 tỷ đồng.

Đến chiều 12/4, Bộ Công Thương đã thông tin về việc Chính phủ đồng ý với phương án giảm giá điện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chống dịch Covid-19 trong 3 tháng, từ tháng 4 - 6/2020.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, cơ quan này đồng ý với đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng của EVN. Theo ông Dũng, điện thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp.

Các mức đề xuất lần này giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN, như vậy sẽ làm giảm các khoản thu ngân sách từ thuế, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này so với kế hoạch, qua đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán.

Vì thế, Bộ trưởng Tài chính lưu ý, EVN phải cân đối, không để lỗ treo, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất điện khi các ngành hàng này không có điều kiện để giảm giá.

"EVN cần tính toán phương án tài chính để tránh lỗ và treo lại các khoản lỗ này gây áp lực tăng giá trong năm 2021", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh và đề nghị, EVN rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào để giảm giá.

Qua rà soát sơ bộ cho thấy giá dầu thời gian qua đã giảm, theo đó giá khí được tính bằng 46% HSFO cũng đã giảm sâu. Đối với các mặt hàng khác như than, gas, xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường; trong đó, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4 và đã giảm sâu trong tháng 2 và tháng 3 năm 2020./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên