Bố trí 7 trạm thu phí hoàn vốn cho cụm Dự án giao thông Đèo Cả, Cổ Mã
VOV.VN - Chính phủ vừa có ý kiến về phương án tài chính tổng thể và kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về phương án tài chính tổng thể và kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân).
Về việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư hạng mục hầm Cổ Mã và đường dẫn từ hình thức hợp đồng BT sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia vốn đầu tư của Nhà nước.
Về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chịu trách nhiệm xác định cụ thể giá trị khối lượng đã thực hiện theo hình thức hợp đồng BT; căn cứ hợp đồng BT đã ký kết, thống nhất với Ngân hàng tài trợ thực hiện thanh toán dứt điểm hợp đồng tín dụng (bao gồm phần vốn vay và lãi đã thực hiện đầu tư xây dựng hầm Cổ Mã và đường dẫn).
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả dự kiến hoàn thành toàn bộ Dự án trong 2017. (Ảnh: Internet) |
Về trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bố trí 7 trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án như kiến nghị của Bộ GTVT, ý kiến của Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo nhà đầu tư đàm phán cụ thể các khoản vay (bằng hợp đồng tín dụng cụ thể), bảo đảm huy động đủ nguồn vốn thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện về việc rà soát, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả theo hình thức hợp đồng BOT, BT được Bộ Giao thông vận tải và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện từ 2012. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành hầm Cổ Mã; dự kiến hoàn thành toàn bộ Dự án trong 2017./.