Bộ trưởng Đinh La Thăng truy trách nhiệm để lọt xe quá tải
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Chúng ta phải làm trong sạch đội ngũ, bắt tận tay những người nhận đút lót cho xe quá tải “lọt” trạm để khởi tố, răn đe".
Ngày 29/7, tại buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, bất kỳ ai cũng nhìn thấy xe quá tải vẫn nghênh ngang trên đường nhưng tại sao chẳng bắt được trường hợp nào tiêu cực. Chúng ta phải làm trong sạch đội ngũ, bắt tận tay những người nhận đút lót cho xe quá tải “lọt” trạm để khởi tố, răn đe.
Truy trách nhiệm để xe quá tải “lọt” trạm
Truy tận gốc trách nhiệm liên quan đến việc để xe quá tải “rồng rắn” qua trạm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi, trách nhiệm của ông Hà (Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà) và ông Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện) đến đâu?
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, ông Lê Thanh Hà cho biết, lực lượng Thanh tra Bộ và Thanh tra Tổng cục đã kiểm tra 180.000 lượt xe, trong đó có 32.000 xe vi phạm (chiếm 16,7%). Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe tại các địa phương, Thanh tra Bộ đã kiểm tra được 23 địa phương, Tổng cục đã thành lập 8 đoàn để đi kiểm tra.
Xe chở quá tải đang san tải trước khi qua trạm cân trên QL6 đoạn Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Ông Hà cho rằng ngoài trạm cân cố định, các địa phương cần triển khai các cân xách tay để cân xe. Thanh tra cũng phối hợp cùng Công an Hà Nội lập chuyên án ngăn chặn tiêu cực nhưng chưa được vì phải dựa vào đơn thư tố cáo.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian qua, ông đã nhận rất nhiều tin nhắn do người dân phản ánh về tình trạng tiêu cực tại các trạm cân. Vừa nói, Bộ trưởng vừa lấy điện thoại công khai đọc tin nhắn do một người dân vừa gửi: “Bác Thăng ơi, trạm cân của bác quá rẻ, chỉ cần 500k là có thể qua”. Tôi thấy lạ nhắn lại hỏi 500k là gì, thì được trả lời là 500.000 đồng”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thanh tra hiện nay vẫn có tâm lý thích ra đứng đường, thích chặn xe để bắt quá tải. Tâm lý này phải loại bỏ ngay vì nếu làm đúng chức trách, thanh kiểm tra điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp, tại các nguồn hàng, thanh tra có thể bắt được hàng trăm xe quá tải, thậm chí là triệt tận gốc của vấn đề, chứ không phải chỉ một hai xe trên đường.
Tiếp tục truy tận gốc vấn đề xe quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Vì sao xe quá tải còn hoành hành trên đường mà báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN vẫn gần như tuyệt đại đa số cán bộ, Đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ?”.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, đây là thực tế chung ở tất cả các ngành. Khi cơ sở báo cáo lên cũng muốn cắt giảm đi nhưng báo cáo của các đơn vị cũng căn cứ theo quy định, nếu cắt giảm đi là duy ý chí.
Không bằng lòng với câu trả lời của Phó Tổng cục trưởng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đứng bật dậy nói sẽ tranh luận thẳng thắn về điều này. Bộ trưởng nói: “Anh là lãnh đạo, anh phải biết cá nhân, đơn vị nào làm tốt, cá nhân, đơn vị nào chưa tốt, không hoàn thành nhiệm vụ để đánh giá khách quan, đúng người, đúng việc. Đánh giá không đúng thực chất cán bộ mới là duy ý chí”.
Ông Quyền nhận trách nhiệm và xin rút kinh nghiệm trong việc bình bầu và đánh giá cán bộ các năm sau.
Giản tiện thủ tục cấp, đổi GPLX
Các thủ tục phiền hà trong cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cũng là chủ đề “nóng” tại buổi làm việc.
Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng, một người dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nhắn tin phản ánh: “Chào Bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi là người Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và có GPLX hạng B2, nay đổi lại nhưng Sở GTVT TP Hồ Chí Minh hẹn sau ba tháng. Trời ơi, công văn giữa hai địa phương phải ba tháng mới đến nơi! Mong Bộ trưởng bớt chút thời gian xem xét, cho gửi lời hỏi thăm anh Huyện”.
Trả lời Bộ trưởng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, hiện nay theo quy định Sở nào cấp GPLX thì sở đó phải xác minh. Thời gian xác minh giữa hai nơi không quá 25 ngày.
Không bằng lòng với câu trả lời đó, Bộ trưởng cho rằng, việc sở nào cấp không quan trọng, quan trọng là không được gây khó khăn cho dân. Với chức năng của mình, các sở hoàn toàn có thể biết đâu là bằng thật, bằng giả, không cần phải đợi cả tháng trời như vậy. Các thủ tục rườm rà cần phải loại bỏ ngay.
Đối với việc cấp đổi GPLX cho người nước ngoài đến sinh sống, công tác và làm việc tại Việt Nam, ông Quyền cho biết lâu nay chúng ta thường xuyên đổi GPLX của người nước ngoài đến học tập, làm việc cũng như công dân Việt Nam đi học tập và công tác ở nước ngoài về. Duy chỉ có GPLX quốc tế (các nước tham gia công ước Vienna), chưa được công nhận mà vẫn phải thực hiện thủ tục đổi GPLX theo Thông tư 46 vì hiện nay VN chưa tham gia Công ước.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng đã yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế sớm xác định ai là thẩm quyền được cấp, nếu là Bộ GTVT thì Bộ trưởng sẽ sớm sửa đổi Thông tư 46 để công nhận GPLX quốc tế và giấy phép quốc gia mà không phải đổi bằng. “Việc cấp đổi lại chỉ mang tính thủ tục, không cần thiết thì bỏ” - Bộ trưởng nói.
Cảm xúc mới sẽ là động lực để phát triển
Quá bức xúc trước việc phối hợp giữa đường bộ với đường sắt trong thời gian qua, làm chậm tiến độ nhiều dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN báo cáo làm rõ.
Ông Tùng cho rằng ngành Đường sắt đã tuân thủ nghiêm yêu cầu của Bộ GTVT nhưng Ngành này không có trách nhiệm trong việc cấp phép nổ mìn, thi công tại các dự án.
Không bằng lòng với cách đặt vấn đề của ông Tùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Tùng báo cáo rõ về việc tại sao đường sắt không cho nổ mìn ở hầm Phú Gia - Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế), trong khi đó Bộ GTVT đã đồng ý và đích thân Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu đoàn công tác gồm các chuyên gia hàng đầu làm trầy trật mấy tháng liền vẫn chưa xong.
Ông Tùng ấp úng nói, “Xin lỗi Bộ trưởng do chưa nắm được và sẽ cho kiểm tra”.
Bộ trưởng tiếp tục truy vấn trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt VN: “Tôi đi đến đâu người ta cũng kêu, Đường sắt động vào đâu cũng vướng như: Nút giao Tam Điệp, Đồng Nai, QL5 (Nút giao cầu Thanh Trì). Nhiều người nói với tôi đường sắt VN là “Đừng sờ vào nó” chính vì thế mà không ai sờ vào vì độc quyền quá lâu rồi, động vào là gây khó khăn… Ùn tắc QL5 tại nút giao cầu Thanh Trì lâu nay là hậu quả của việc không chịu di dời”.
Bộ trưởng ví von: “Ông (Đường sắt) không chuyển vì đường ưu tiên, đường sắt quốc gia và cả Ngành bị mang tiếng vì thiết kế không hợp lý. Ông phải để cho nhiều người đụng vào, nhiều người sờ vào để tạo cảm xúc mới, có cảm xúc mới tạo được động lực để phát triển”./.