Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói về việc Đan Mạch dừng 3 dự án ODA
Bên lề Quốc hội, sáng 4/6, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, thông tin trên mới được phía Đan Mạch đưa ra nên cần kiểm tra, sau khi có kết luận sẽ xử lý.
PV: Phía Đan Mạch mới đây tuyên bố dừng hoạt động 3 trong 4 dự án nghiên cứu sử dụng ODA của nước này tại Việt Nam do có bất thường về tài chính. Quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với sự việc này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Trước hết, với Việt Nam, ODA là một nguồn rất quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. Việt Nam có nguồn ODA từ lâu, luôn luôn sử dụng ODA một cách hiệu quả. Đây không phải do Việt Nam đánh giá mà là các nước tài trợ đánh giá Việt Nam sử dụng ODA rất hiệu quả nên các nước mới tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam.
Còn trường hợp Đan Mạch, vừa qua họ mới cho ý kiến. Phía Việt Nam cũng đang cho kiểm tra về vấn đề này. Đây là dự án về biến đổi khí hậu vừa mới thực hiện trong 6 tháng trong tổng số một dự án nhất định.
Vừa qua Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đã gặp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và nêu quan điểm của Việt Nam là sử dụng ODA phải hiệu quả và nếu có sai phạm phải xử lý. Chúng ta luôn chân thành và coi trọng nguồn ODA của các nước.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, nếu sử dụng ODA không hiệu quả và có sai phạm đều phải bị xử lý |
PV: Nhưng những thông tin về những sai phạm liên quan đến nguồn ODA không phải đến giờ mới có, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Chúng ta có các dự án sử dụng vốn ODA rất lớn, số sai phạm thì không nhiều. Chính vì vậy, các nước qua các kỳ kiểm điểm luôn đánh giá Việt Nam là một trong những nước sử dụng ODA hiệu quả nhất. Nhưng cũng có những dự án xảy ra tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, chúng ta đã xử lý rất nghiêm.
Những dự án ODA sử dụng không hiệu quả và có sai phạm ta đều xử lý. Với dự án của Đan Mạch, các cơ quan đang điều tra.
PV: Những vụ việc như trên ảnh hưởng như thế nào đến uy tín của Việt Nam trong việc sử dụng ODA?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Quan điểm của Nhà nước ta là đánh giá rất cao vai trò của ODA với Việt Nam. Chúng ta không phải đến bây giờ mới nhận ODA mà đã hàng chục năm nay rồi và chúng ta đã sử dụng một cách rất hiệu quả.
Hàng chục công trình ở Việt Nam đã sử dụng ODA. Tôi tin rằng các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đánh giá cao Việt nam.
Về dự án này, phía Đan Mạch mới đưa ra thông tin ngày 31/5. Giờ cần thời gian thẩm định, kiểm tra các ý kiến đó. Tất nhiên, Chính phủ luôn đưa ra yêu cầu phải sử dụng một cách hiệu quả, còn nếu không hiệu quả, nếu có sai phạm phải xử lý. Nhưng trước hết phải kiểm tra đã.
PV: Bộ trưởng có thể cho biết hiện tại có những cơ quan nào đang vào cuộc?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch sẽ tiến hành gặp gỡ phía Đan Mạch để yêu cầu cho biết tình hình. Cụ thể, bên này, chúng tôi cũng đã gặp Đại sứ Đan Mạch đề nghị cho biết ý kiến. Tất nhiên sau khi có điều tra, kết quả mới xử lý. Trước tiên, các chủ đầu tư dự án phải báo cáo.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Ông Nguyễn Thế Quang - Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách: Cần tăng cường giám sát đầu tư công và sử dụng ODA: Cần thiết và phải làm sớm việc có hay không những tiêu cực trong các dự án ODA này. Việc này phụ thuộc vào hành động của các cơ quan chính phủ. Hiện nay, Bộ Kế hoạch-Đầu tư thay mặt Chính phủ để liên hệ, tiếp nhận và quản lý ODA. Khi xảy ra vụ việc như vậy thì cần một cơ quan giám sát độc lập giải quyết vụ việc đó. Đại biểu Quốc hội nói chung và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trên cơ sở các báo cáo của các Bộ, ngành sẽ báo cáo với Quốc hội. Sau khi báo cáo, nếu mọi việc đáp ứng yêu cầu thì thôi, còn nếu không thì Quốc hội sẽ vào cuộc. Hiện nay, Ủy ban Tài chính – Ngân sách chưa nhận được yêu cầu nào về vấn đề này. (Vũ Hạnh)