Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 3 cam kết với các nhà đầu tư
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2019) diễn ra tại Hà Nội sáng nay (10/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 3 cam kết cụ thể với cộng đồng các nhà đầu tư.
Thị trường Việt Nam đã "hút" hơn 100 quỹ đầu tư tham gia sự kiện Vietnam Venture Summit 2019. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Cam kết đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng các giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết các khó khăn để khơi thông và không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ hỗ trợ giới khởi nghiệp để các start-up có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ đối với các Start-up đã được thẩm định, được kết nối và hỗ trợ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, để có điều kiện phát triển hơn và để cộng đồng các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với nhiều cơ hội đầu tư chất lượng hơn.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh: "Thông qua mạng lưới các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chúng tôi cam kết hỗ trợ hết sức cho một cộng đồng đổi mới sáng tạo năng động, gắn kết và chất lượng cao ở Việt Nam và các nước để tất cả những người tham gia cộng đồng được có cơ hội học hỏi, nâng cao các kỹ năng tìm kiếm được các nguồn tài chính để có điều kiện phát triển, hoàn thiện ý tưởng công nghệ của mình, đặc biệt là các công nghệ chuyên sâu".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Khẳng định Việt Nam là một điểm đến mới đầy tiềm năng cho dòng tiền đầu tư, Bộ trưởng Dũng khẳng định: Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể thực sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp (startup), thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.
Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), năm vừa qua, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016.
Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, Báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017.
Dự kiến trong các năm tới, các startups giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD./.