Bộ trưởng Tài chính: Kinh tế năm 2015 vẫn còn khó khăn
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, kinh tế năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành tài chính vẫn nỗ lực hoàn thành và vượt thu ngân sách nhà nước so với dự toán; công tác điều hành tài chính - ngân sách đã có đóng góp tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một số điểm sáng đáng chú ý của ngành tài chính, được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính năm 2014 thu ngân sách nhà nước đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng, đạt 107% dự toán. Hầu hết địa phương thu đạt và vượt dự toán. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định 5,3% GDP. Bộ Tài chính cho biết, nguồn vượt thu ngân sách nhà nước dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014 thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước; Tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ. Tăng cường quản lý giá, kiểm soát lạm phát...góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2015, dự báo nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm. Đặc biệt là giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm mạnh, tác động đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý. Điều hành thu đảm bảo dự toán được giao, với tình hình hiện nay phải tìm mọi cách tăng thu nội địa, thu xuất khẩu để có khoản bù đắp, thiếu hụt khi giá dầu thế giới giảm như thời gian qua. Đồng thời chống thất thu thất thoát nợ đọng thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Công tác chi tiết kiệm, tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, công khai minh bạch tài chính.”
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Bộ Tài chính cho biết đã rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính, rút ngắn 54% số giờ nộp thuế (giảm 290 giờ từ 537 giờ xuống còn 247 giờ). Ngoài ra, Luật sửa đổi một số điều của 5 Luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ và thời gian làm thủ tục hải quan, việc triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia cắt giảm được khoảng 10%-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng xuất nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, những giải pháp đồng bộ trong cải cách thủ tục về thuế, hải quan đang phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng thuận và phản ứng tích cực từ các doanh nghiệp; tạo lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
“Trong năm 2014, số doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng đạt 97%, vận động được 9.000 doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Giảm số giờ làm thủ tục kê khai nộp thuế từ 537 giờ còn 335 giờ. Với lĩnh vực hải quan đã hoàn thành thông quan điện tử, kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Triển khai hơn 50% lượng hàng hóa được thông quan bằng luồng xanh, với thời gian thông quan 5 phút giảm so với trước đây là 2h, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp” – bà Hồng cho biết.
Bộ Tài chính cho biết năm 2015 sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm). Triển khai quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; thu hồi số thuế nợ đọng. Đối với chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; tiếp tục thực hiện các giải pháp về nguồn để thực hiện cải cách tiền lương…./.