Bơm 700.000 tỷ đồng: Lo tiền vào chứng khoán, bất động sản?
Trước cảnh báo tín dụng tăng 21-22% dễ dẫn đến lạm phát và nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra rất thận trọng trong các bước điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài tạo điều kiện nới dư địa vốn cho các ngân hàng, nhà điều hành đã “nắn”, buộc dòng vốn phải chảy vào sản xuất. Dẫu vậy, vẫn có quan ngại, ít nhiều tiền sẽ chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Tiền ra ồ ạt lo chảy vào chứng khoán, bất động sản |
Nới dư địa cho vốn ra
Tuần qua, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 đã thu hút sự chú ý của thị trường. Tại dự thảo sửa đổi lần này, NHNN dự kiến tiếp tục điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo tỷ lệ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đánh giá của các chuyên gia của Công ty Chứng khoán HSC, mặc dù sự chênh lệch này đặt ra rủi ro hệ thống đáng kể cho ngành ngân hàng, nhưng có lẽ NHNN đã nhận ra mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% vào cuối năm nay là khó khả thi. Thực tế, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay.
“Việc nới thời gian áp dụng tỷ lệ trần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ lập tức giảm bớt áp lực huy động vốn trung dài hạn và tránh đẩy chi phí huy động tăng cao hơn. Đây là yếu tố quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể tăng cường cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21%”, HSC khẳng định.
Tín dụng hiện tăng 9,3% so với đầu năm, do đó dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Bơm lượng vốn lớn cấp tập có quan ngại đến rủi ro lạm phát và nợ xấu? Ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho rằng không nên quá lo lắng bởi hiện Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát rất chặt dư nợ tín dụng các lĩnh vực thông qua việc liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo số liệu. Ngay cả với lĩnh vực ưu tiên là gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cũng không có chuyện ồ ạt cho vay bằng mọi giá.
Ông Hùng đơn cử: Hiện có nhiều hồ sơ, đơn thư xin vay vốn nông nghiệp công nghệ cao gửi đến ngân hàng thậm chí cả tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đủ các mức vay có khi lên tới 500 tỷ đồng đến cả 3.000 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, khi chúng tôi cho ngân hàng thương mại thẩm định kiểm tra, có doanh nghiệp rơi vào nợ nhóm 4 (tức là tiệm cận nợ xấu) hiện đang khoanh lại, nay lại đòi mở ra dự án mới và xin vay mới. Có doanh nghiệp đang nuôi cá nay lại muốn chuyển sang nuôi bò thịt mà không chứng minh được thị trường, đầu ra sản phẩm. Về cơ bản, chúng tôi ưu tiên những doanh nghiệp có quá trình đầu tư, làm thật và có sản phẩm được thị trường công nhận, chứ không thể là doanh nghiệp đầu tư theo phong trào hoặc tay không bắt giặc", ông Hùng khẳng định. Tăng trưởng tín dụng tích cực, dòng vốn vào bất động sản chậm lại
Lo tiền vào chứng khoán, bất động sản
TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) bày tỏ điều lo nhất đó là tín dụng tăng nhanh quá, sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn. “Nếu tín dụng tăng lên 22%, sợ tiền khó vào sản xuất hết được mà có thể chảy sang lĩnh vực đầu cơ khác, bởi lượng vốn lớn thế làm sao nền kinh tế đủ sức hấp thụ trong thời gian ngắn được. Sợ nữa là nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách vay đảo nợ”, TS Độ nói.
Còn TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, tín dụng tăng ồ ạt, hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là các ngành sản xuất kinh doanh, mà là khu vực bất động sản, do đó ông khuyến cáo: “NHNN phải đảm bảo kiểm soát tín dụng phân bổ tín dụng cho dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ”.
Một nhà đầu tư lão luyện trên thị trường chứng khoán từng có kinh nghiệm về những lần tín dụng vọt tăng trên thị trường cũng chia sẻ suy nghĩ: Đổ tiền ra cũng giống như đổ “ào” một xô nước đầy lên mặt đất, kiểu gì cũng thấm sang chỗ này, chỗ khác.
“Tiền ngân hàng từ nay đến cuối năm đưa ra, dù không muốn nhưng rất có thể vẫn chạy một phần vào chứng khoán hay bất động sản”, ông Vũ Thành Tự Anh lưu ý.
Vậy có cách nào để hạn chế? Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, NHNN có thể kiểm soát chặt bằng nhiều ràng buộc với các ngân hàng với nhiều “chốt chặn”. Tuy nhiên, có khả năng ít nhiều thị trường vẫn tìm ra cách… lách.
Được biết, hiện NHNN đã chỉ đạo các vụ ngành chức năng kiểm soát chặt dư nợ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, BOT và chứng khoán.
Có hay không “sóng lớn” sẽ ập vào lãi suất, tỷ giá?
Nên hay không khống chế trần lãi suất cho vay tiêu dùng?