BOT hay BT - lãi tư nhân hưởng, lỗ Nhà nước chịu?

(VOV) -Hầu hết vốn vay xây dựng một số công trình như Đèo Cả, hầm Cổ Mã, cầu Phú Mỹ… đều được nhà nước bảo lãnh rất cao.

Theo phân tích của ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách Công (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright), hầu hết các dự án BOT có tỷ lệ vay nợ rất cao và nhiều khoản nợ được nhà nước bảo lãnh.

Ông Thành lấy ví dụ, Hầm Đèo Cả là dự án có chi phí đầu tư 15.603 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hầm Đèo Cả (theo hình thức BOT) là 10.555 tỷ đồng, chi phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (theo hình thức BT) là 4.509 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư còn cao hơn khi cộng chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Toàn bộ chi phí đầu tư hầm Đèo Cả được tài trợ bởi khoản vay nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh từ các ngân hàng Pháp (Credit Agricole và Societe Generale). Và khoản vay trong nước từ Vietinbank bằng tới 90% chi phí đầu tư đường dẫn theo hình thức BT.

“BOT/BT là nhằm thu hút vốn tư nhân, nhưng nếu tất cả là vốn vay và được nhà nước bảo lãnh thì thực chất vẫn là đầu tư nhà nước nhưng theo hình thức nếu có lợi thì chủ đầu tư được hưởng, còn nếu thua lỗ thì Nhà nước gánh chịu” – ông Thành nói.

UBND TP.HCM phải đứng ra trả nợ thay cho chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ (ảnh Internet)

Trường hợp Dự án Cầu Phú Mỹ ở TP.HCM là một ví dụ điển hình. Cầu Phú Mỹ là dự án đầu tư được đầu tư theo hình thức BOT giữa UBND. TP.HCM và Công ty Cổ phần B.O.T cầu Phú Mỹ (PMC). Đây là một dự án BOT trọng điểm của TP.HCM. Theo báo cáo đầu tư thì dự án khả thi về mặt tài chính và kinh tế, giúp tiết kiệm thời gian chi phí đi lại của các phương tiện giao thông theo trục vành đai phía Đông; giảm ách tắc khu vực nội ô TP.HCM, phát triển kinh tế khu vực quận 2, quận 9 và các vùng lân cận.

Chủ đầu tư dự án hiện nay không có khả năng trả nợ và UBND TP.HCM phải đứng ra trả nợ thay. Lý do được đưa ra là chi phí dự án tăng lên trong khi lượng xe không đúng như dự báo vì các dự án giao thông kết nối chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, việc tái thẩm định dự án cho thấy mô hình tài chính lập có sai sót mang tính kỹ thuật giữa giá cố định tại thời điểm tính toán và giá danh nghĩa trong tương lai, dẫn tới sai lầm về đánh giá tác động của lạm phát; việc đưa lãi vay trong thời gian xây dựng và tỷ lệ trượt giá vào phương án tài chính để tính toán thời gian hoàn vốn là không rõ và không theo chuẩn; lãi suất vay nợ là không có cơ sở và không phân biệt giữa lãi suất vay ngoại tệ từ ngân hàng nước ngoài (được Bộ Tài chính bảo lãnh) và lãi suất vay nội tệ từ ngân hàng trong nước; và quan trọng nhất là lịch trả nợ hoàn toàn phi lý và phi thực tiễn. Kết quả tái thẩm định là dự án hoàn toàn không có khả năng trả nợ với cơ cấu vốn đề xuất, mặc dù vẫn có hiệu quả kinh tế - xã hội. Nói một cách khác, ngay cả khi chi phí đầu tư không tăng và lượng xe đúng như dự báo thì trục trặc tài chính của dự án vẫn sẽ xảy ra.

Nhìn lại công việc tái đầu tư công chúng ta đang làm, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tái cơ cấu đầu tư xét trên ba định hướng lớn của Đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy mức huy động đầu tư toàn xã hội so với quy mô nền kinh tế đã được điều chỉnh giảm xuống, một phần đáng kể nhờ chính sách chủ đông thắt chặt đầu tư công. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện hiệu quả đầu tư công thông qua đổi mới cơ chế để tránh đầu tư dàn trải và lãng phí không thực sự rõ ràng và chưa có kết quả thể hiện qua đầu tư công trong KCN, KKT, cảng biển, điện năng,… Sau cùng, những năm 2011-12 đã cho thấy có nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, các dự án theo hình thức BOT và BT, đặc biệt là trong các dự án giao thông, có tỷ lệ vay nợ rất lớn nếu không muốn nói là chủ đầu tư gần như không phải vốn tự có của mình để chịu rủi ro. Điều này có hai hệ lụy: động cơ của chủ đầu tư sẽ nằm nhiều vào hưởng lợi trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này và gánh nặng nợ vay và rủi ro tiềm ẩn trong tương lai là không nhỏ. Cơ chế PPP (sửa đổi cơ chế thí điểm hiện hữu) để có được khung hỗ trợ rõ ràng, thỏa đáng từ nhà nước nhưng được đặt dưới kỷ luật thị trường sẽ là hướng đầu tư cơ sở hạ tầng với sự tham gia đúng nghĩa của khu vực tư nhân.

Tái cơ cấu đầu tư công: Vẫn chỉ trên giấy

Sau 1 năm tái cơ cấu, mới chủ yếu xây dựng văn bản, nhưng chất lượng lại không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh…

Đây là ý kiến của ông Trương Đình Tuyển đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa diễn ra tại Nha Trang, khi nhìn lại kết quả 1 năm tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có đầu tư công. “Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh, việc triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung của tái cơ cấu. Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa được thiết lập theo một chương trình bài bản có mục tiêu nên kết quả là chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước” – ông Tuyển nói.

Theo quan sát của ông Trương Đình Tuyển, cho đến nay, có thể nói chưa có đề án về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 chỉ nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách trong đầu tư công trong đó chủ yếu giải quyết mâu thuẫn giưa các dự án đầu tư và khả năng bảo đảm nguồn vốn, góp phần sắp xếp lại các dự án đầu tư. Không thể phủ nhận mặt tích cực của dự án này, nó góp phần loại bỏ những dự án kém hiệu quả.

Về phần tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Chính phủ đã có đề án và nhiều văn bản liên quan đến nội dung này, điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của DNNN.

Mặc dầu vậy, theo ông Tuyển, Đề án và các văn bản này mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính, phân công lại trách nhiệm thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước theo hướng lập lại mô hình “Bộ chủ quản một thời đã bị bãi bỏ. Đề án cũng đưa ra danh mục các DNNN nắm giữ 100% vốn, và các DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ khác nhau nhưng chủ yếu là dựa vào tình hình hiện tại mà thiếu đi cái nhìn dài hạn trước sự phát triển nhanh chóng của KH-CN và sự phát triển của thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng; không định lại vai trò của DNNN, đặc biệt là của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước trong một nền kinh tế nhiều thành phần.

“Điểm cốt lõi là không áp đặt kỷ luật thị trường lên Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực ngành nghề mà các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước đang độc quyền kinh doanh hoặc chiếm vị thế thống lĩnh, không đặt ra lộ trình các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước phải công khai minh bạch theo các tiêu chí của công ty nhiêm yết” – ông Tuyển nhấn mạnh.

Đề án cũng không có nội dung “tái cơ cấu” cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

“Công tác cổ phần hoá và thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh chính cũng rất ít có tiến bộ. Lý do được đưa ra là do kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán, sụt giảm, nếu bán cổ phần thì nhà nước mất tiền(!)” – ông Tuyển nói.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh: Cho đến nay, một nhiệm vụ hệ trọng và phức tạp như đầu tư công (đã thực hiện từ khi nhà nước thành lập) và công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa (bắt đầu thí điểm từ 1991) đến nay đều chưa có luật do Quốc hội ban hành. Tất cả khung pháp luật đều do Chính phủ quy định, trong đó có không ít quy định có vị thế pháp lý rất thấp (như theo quyết định của Thủ tướng, như Quyết định 929 TTg) chứ chưa phải là nghị định. Như vậy, do không có luật, vai trò của Quốc hội trong đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa bị hạn chế, chủ yếu là giám sát sau thực hiện và nêu kiến nghị với Chính phủ. Hệ quả là hiệu quả của DNNN rất thấp, cổ phần hóa rất chậm và có rất nhiều tiêu cực, những vụ việc đã phát hiện như Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gây ra những tổn thất rất to lớn.

Chính từ thực tế này, theo ông Lê Đăng Doanh, đầu tư công đã bị lạm dụng, gây lãng phí, tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài. Đầu tư công đã được mở rộng mà không cần chế độ trách nhiệm cá nhân, không có ràng buộc về hiệu quả kinh tế-xã hội…

Và nói cho cùng, dù làm gì cũng cần phải có giám sát. Theo quan điểm của TS Lê Đăng Doanh thì “Rõ ràng cần thiết lập một hệ thống giám sát độc lập với sự tham gia rộng rãi của người dân (chuyên gia, tổ chức quần chúng) để phát hiện những sai sót, hạn chế để giúp bộ máy làm tốt hơn nhiệm vụ được giao”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên