Buýt nhanh BRT đội giá: Những người trong cuộc nói gì?
VOV.VN - Công ty ô tô Trường Hải chỉ chào giá, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu là của Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Lô xe buýt nhanh đầu tiên nhập về được xếp trong bến xe Yên Nghĩa. |
Sau gần 10 năm chậm tiến độ và nhiều lần hoãn chạy thử thì đến cuối năm 2016, tuyến xe buýt nhanh BRT chạy bến Yên Nghĩa - Kim Mã chính thức đưa vào vận hành sử dụng.
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư toàn tuyến buýt nhanh BRT, gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (tương đương trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Những ngày gần đây, trên một số trang báo có thông tin cho rằng giá xe bus mà Hà Nội mua phục vụ cho tuyến bus nhanh BRT cao hơn nhiều giá xe có cùng chiều dài và công suất máy bán ngoài thị trường tới cả tỷ đồng mỗi chiếc xe.
Cụ thể, theo thông tin trên báo Nhân Dân điện tử, việc mua số xe bus trên đã được thực hiện qua hai cuộc đấu thầu, với thời gian cách nhau chỉ vỏn vẹn có một tháng.
Cận cảnh những chiếc xe. |
Điều này có nghĩa, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra hai quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu đoàn xe BRT và Liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An - THACO là bên thắng cuộc trước thương hiệu xe Volvo Thụy Điển.
Hợp đồng cung cấp 35 xe buýt nhanh BRT đã được ký vào ngày 9/11/2015. Đoàn xe này đã được lắp ráp trong nước, tại các nhà máy của THACO. Và nếu chia bình quân với giá này, thì giá mỗi xe buýt nhanh BRT của Hà Nội là vào khoảng… 5,03 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Báo Nhân Dân, tổng giá trị lô 35 xe của THACO cung cấp cho Hà Nội là 194 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,543 tỷ đồng/xe.
Mức giá này là tương đối cao, nếu đem so sánh với giá xe 47 chỗ cao cấp nhất hiện nay trên thị trường Việt Nam là Hyundai Universe Nobel 410PS, nhập khẩu mới 100%, đời 2016, tiện nghi lựa chọn cao cấp và đầy đủ nhất, cũng không quá 4,2 tỷ đồng/chiếc, đã bao gồm thuế.
Xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội: Hy vọng nhưng nhiều hoài nghi
Từ đó, tờ báo này đặt nghi vấn: “Vì sao 35 chiếc xe thuộc đoàn xe buýt nhanh BRT, với tiện nghi đã được lược bớt, nội thất thấp cấp hơn hẳn, dùng ghế nhựa và chủ yếu dùng để đứng…, lại được THACO bán và Hà Nội đồng ý mua với giá hơn 5 tỷ đồng/chiếc?”.
Chiều 7/3, trao đổi qua điện thoại với phóng viên VOV.VN, ông Trần Anh Tú, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, ông không nắm được việc mua bán này vì đã chuyển công tác từ trước.
“Thời điểm triển khai gói thầu mua sắm đoàn xe BRT thì tôi đã chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội nên không nắm rõ việc này”, ông Trần Anh Tú nói.
Còn theo ông Vũ Hà, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội (việc mua sắm đoàn xe BRT diễn ra trong thời kỳ ông Hà làm Giám đốc), trước khi chuyển sang đơn vị khác, đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho người kế nhiệm là ông Hoàng Tuấn.
Xe buýt nhanh BRT lần đầu tiên vận hành lăn bánh thử trong bến xe Kim Mã ngày 15/12/2016. |
Ông Vũ Hà cho biết, hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội đã nắm được thông tin và sẽ có báo cáo giải trình về sự việc.
Đồng thời, ông Vũ Hà khẳng định việc mua đoàn xe bus này công khai, minh bạch và sẵn sàng cùng Ban Quản lý báo cáo, giải trình chi tiết việc mua số xe bus trên.
Cùng ngày, ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội cho biết Ban sẽ sớm có báo cáo gửi cơ quan quản lý và thông tin rộng rãi tới công luận trong vài ngày tới.
Buýt nhanh đội giá: Cuộc thử nghiệm “nghìn tỷ”
Trước những thông tin liên quan đến Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, đại diện công ty này cho hay công ty chỉ chào giá, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu là của Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội./.