Cà Mau giao việc từng người để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
VOV.VN - Hiện tỉnh Cà Mau đã giải ngân được khoảng 67% vốn đầu tư công, trong đó, có nhiều đơn vị đã hoàn thành giải ngân.
Tổng vốn đầu tư công năm 2020 và những năm trước chuyển sang của tỉnh Cà Mau là hơn 4.000 tỷ đồng. Đến giữa tháng 10, tỉnh đã giải ngân được hơn 2.700 tỷ đồng, đạt khoảng 67%. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh hiện đạt gấp gần 2 lần cùng kỳ năm 2019.
Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Cà Mau cho biết, trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và tỉnh Cà Mau cũng xác định, giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế nên đề ra nhiều giải pháp. UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành chương trình hành động để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong đó, xác định tỷ lệ giải ngân đạt được theo mốc thời gian cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng người, từng đơn vị.
“Lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo rất quyết liệt. Định kỳ hàng tuần các chủ đầu tư phải báo cáo. Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình giải ngân chuyển biến như thế nào để có giải pháp. Các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh được phân công phụ trách các mảng và giao cụ thể phụ trách từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư”, ông Trương Đăng Khoa cho hay.
Từ sự quyết liệt vào cuộc đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã có 10/29 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân vốn từ 75% trở lên. Trong đó, các đơn vị như Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh Cà Mau đã hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn một số đơn vị có tỷ lệ thấp. Nguyên nhân đã được chỉ rõ trong Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây. Đầu tiên là do trình tự, thủ tục chưa đúng, phải thực hiện lại. Tiếp đó, một số dự án cần chờ ý kiến của các Bộ, ban, ngành Trung ương. Khó khăn cơ bản nhất đang vướng chính là việc giải phóng mặt bằng. Cụ thể, tỉnh Cà Mau đang có 16 dự án vướng mặt bằng, chiếm gần 15% tổng kế hoạch vốn. Để giải quyết khó khăn này, các địa phương, chủ đầu tư phải cam kết thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Còn các đơn vị liên quan, phải vào cuộc tháo gỡ nhanh nhất nhằm đảm bảo tiến độ.
“Trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc xin chuyển nguồn sang năm sau, việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phải được quan tâm hơn ở từng dự án để chốt thời điểm hoàn thành, đơn vị nào không hoàn thành thì phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, theo tiến độ đã đăng ký, các sở ngành phải vào cuộc tháo gỡ ngay những khó khăn về giá đất, các chính sách. Thẩm quyền của sở nào, giải quyết vướng mắc nào phải xem xét, chưa phù hợp thì điều chỉnh, để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Tỉnh Cà Mau hiện đứng thứ 21 cả nước và thứ 4 trong vùng ĐBSCL về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để đảm bảo kế hoạch, giải ngân được toàn bộ nguồn vốn này các cấp ngành tỉnh Cà Mau đang rất nỗ lực thực hiện. Vừa qua, trong một hội nghị của tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư tỉnh ủy Cà Mau cũng đã chỉ đạo người đứng đầu các cấp ủy phải đặc biệt quan tâm và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để hướng tới mục tiêu cao nhất./.