Cà Mau nỗ lực góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC
VOV.VN - Tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo mặt hàng khai thác thủy sản của nước ta.
Cụ thể nhất, việc quản lý, kiểm soát tàu cá đánh bắt trên biển được tỉnh này siết chặt. Cà Mau đã bắt buộc các tàu cá theo lộ trình phải gắn thiết bị giám sát hành trình và những tàu cá không thực hiện sẽ bị cấm đánh bắt.
Cà Mau đang rất nỗ lực góp phần gỡ thẻ vàng của EC cảnh báo sản phẩm thủy sản khai thác của nước ta. |
Hiện nay đã có khoảng 70 tàu cá của ngư dân Cà Mau thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, tập trung chủ yếu tại “thủ phủ” đánh bắt – thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Gia đình ông Đoàn Quốc Lượm có 2 tàu chuyên đánh bắt xa bờ tại thị trấn Sông Đốc. Ông Lượm tuổi đã lớn nên không trực tiếp cầm lái mà phải thuê tài công. Trước đây, gia đình ông chỉ có thể ở nhà chờ cả tháng mới biết hiệu quả đánh bắt thế nào và phải thấp thỏm lo lắng không biết tàu đánh bắt có qua hải phận nước khác không. Vừa qua, khi gắn thiết bị giám sát hành trình ông có thể tương tác với tài công bằng điện thoại. Có thể biết được tàu cá của mình đánh bắt ở đâu để giám sát chặt hơn.
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 1.500/4700 tàu đánh bắt trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Lộ trình lắp đặt được chia ra 2 giai đoạn và đến hết năm nay, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải thực hiện lắp đặt thiết bị này.
Các chủ tàu đồng thuận chủ trương gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá nhưng thiếu vốn. |
Ông Phan Văn Giàu (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) cho biết, rất đồng thuận với chủ trương của nhà nước trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc lắp đặt sẽ giúp chủ tàu quản lý được tàu cá của mình. Trong việc phòng chống tai nạn trên biển hay khi có thiên tai, tài công, chủ tàu và cơ quan chức năng cũng có thể liên lạc, hỗ trợ đưa tàu vào bờ an toàn.
Theo ông Giàu, ngư dân cũng hiểu rằng, hải sản khai thác của nước ta đã bị cảnh báo, việc lắp đặt sẽ góp phần vào việc gỡ “thẻ vàng”. Nhưng thực tế, nghề biển ngày càng khó khăn, bà con muốn thực hiện cho đúng chủ trương nhưng thiếu vốn, cần được hỗ trợ.
"Nhà nước quy định thì mình thực hiện. Kẹt là tài chính của người dân khó khăn. Thời gian gần đây nghề biển thất bát, không có tiền để một lúc bỏ ra hơn 20 triệu. Có người 2 – 3 chiếc. Nhờ chủ trương của nhà nước xem xét có hỗ trợ để người dân làm nghề biển bớt khó khăn", ông Giàu kiến nghị.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, để góp phần vào nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” cho sản phẩm khai thác thủy sản bị EC cảnh báo, lãnh đạo tỉnh Cà Mau rất quyết tâm và chỉ đạo ngành chức năng phải tăng cường việc giám sát tàu cá.
Hiện nay, Cà Mau đang bắt buộc các tàu đã vi phạm vùng biển nước ngoài và chủ sở hữu có tàu đã vi phạm vùng biển nước ngoài phải thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát cho tất cả các tàu của mình nếu không sẽ cấm ra khơi. Tuy nhiên, nhiều tàu hoạt động trên biển xuyên suốt không vào đất liền nên chưa thể thực hiện lắp đặt, ảnh hưởng đến tiến độ đề ra.
Ngoài ra, khi bắt tay thực hiện, ngành chức năng địa phương này gặp nhiều vướng mắc như: Cơ sở pháp lý để bắt buộc tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn thiếu (Luật Thủy sản mới có quy định cụ thể nhưng đến năm 2019 mới có hiệu lực). Hay thế nào là thiết bị giám sát tàu cá, nó gồm những tính năng gì; chính sách cho việc thực hiện lắp đặt thiết bị này như thế nào cũng chưa rõ.
Hết năm 2018 những tàu đánh bắt xa bờ không gắn thiết bị giám sát hành trình, không được ra khơi. |
Theo ông Nguyễn Việt Triều, địa phương đang “vừa làm vừa lo” nên rất cần hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành trung ương. "Không biết Cà Mau làm như vậy có đi đúng hướng hay không? Lỡ sau này trung ương có quy định gì mà Cà Mau không đúng hướng thì như thế nào? Hiện vẫn rất băn khoăn vì hướng dẫn chưa có", ông Triều chia sẻ.
Thời gian vừa qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện hàng chục lớp tuyên truyền để ngư dân thực hiện đánh bắt đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu, hướng tới gỡ “thẻ vàng” cho sản phẩm khai thác thủy sản bị EC cảnh báo.
Nhận thức của người dân đang dần thay đổi, hàng chục tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay trong vấn đề thực hiện vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần được các bộ, ngành trung ương quan tâm, tháo gỡ./. Nỗ lực để EC sớm gỡ “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam
Việt Nam thúc đẩy EVFTA, hối thúc EU sớm dỡ thẻ vàng với thủy, hải sản