Cá ngừ đại dương Việt Nam xâm nhập thị trường Nhật Bản
VOV.VN - Đây là khởi đầu cho một cách làm ăn mới, theo đuổi khát vọng làm giàu từ biển.
Năm 2014, lần đầu tiên, những con cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản được ngư dân tỉnh Bình Định đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tín hiệu vui
“Quả ngọt” đầu mùa từ chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Định và đối tác Nhật Bản đã mang lại tín hiệu tích cực, mở lối cho con cá ngừ đại dương Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Đây là tin vừa mừng, vừa lo đối với các ngư dân chuyên khai thác cá ngừ đại dương ở các tỉnh miền Trung nước ta. Từ nay, cánh cửa xuất khẩu loại thủy sản đặc biệt này đã chính thức rộng mở tại thị trường Nhật Bản - nơi tiêu thụ lượng cá ngừ sống khổng lồ và thường xuyên để làm món sushi truyền thống của người Nhật.
Song, nỗi lo lại đến từ áp lực phải làm sao đảm bảo quy trình đánh bắt và sơ chế đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Bảo đảm chất lượng cá ngừ đại dương đã và đang là yêu cầu khắt khe tại thị trường này.
Ngư dân miền Trung chịu khó chịu khổ thôi thì chưa đủ. Họ rất cần phải nắm được thông tin khoa học kỹ thuật để khai thác và chế biến sao cho phù hợp với các thị trường.
Ngư dân Bình Định tiên phong
Tháng 6/2014, 5 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được phía Nhật Bản lắp đặt các thiết bị công nghệ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản và cải tạo hầm trữ đông trên tàu, trị giá 1,5 tỷ đồng.
Ngay chuyến ra khơi đầu tiên trên vùng biển Hoàng Sa, gần 30% sản lượng đánh bắt của ngư dân Bình Định đạt tiêu chuẩn xuất nguyên con sang thị trường Nhật Bản.
Ông Nguyễn Quê, chủ tàu cá BĐ 96776 TS tham gia mô hình này cho biết, chuyến biển thử nghiệm đầu tiên với bộ thiết bị, công nghệ câu cá của Nhật Bản, tàu của ông khai thác được 26 con cá ngừ, loại từ 30kg-50kg/con.
“Nếu như trước đây, 3-4 người vất vả lắm mới đưa được 1 con cá ngừ đại dương lên tàu thì bây giờ chỉ mất 5 phút thì 1 thuyền viên làm xong việc này. Cá không bị trầy xước, màu sắc con cá đẹp hơn” - ông Quê phấn khởi cho biết.
Cùng tham gia trong đội tàu, ông La Tình - chủ 2 tàu cá BĐ95648 TS và BĐ96225 TS, bộc bạch: “Chúng tôi đã sử dụng thành thạo các thiết bị câu cá của Nhật Bản, chất lượng sản phẩm khai thác cao hơn trước rất nhiều”.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định giao Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifsco) làm doanh nghiệp đối tác với phía Nhật Bản, cung cấp nguồn cá ngừ đại dương được đánh bắt theo chuỗi mô hình thí điểm cho Công ty Kato Office- Nhật Bản. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Bidifsco, cho biết: Đơn vị đã ký kết hợp đồng mua sản phẩm của 5 tàu thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ mới do Nhật Bản chuyển giao.
“Dù chỉ có 30% sản lượng đánh bắt được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhưng nếu chính vụ thì tỷ lệ này có thể đạt từ 70% - 80%. Mặt khác, số cá ngừ còn lại không đủ tiêu chuẩn vẫn được Bidisco thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 20%” - bà Lan cho hay.
Thay đổi cánh làm truyền thống
Hiện cả nước có 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng khai thác loại cá này ổn định trong vài năm trở lại đây khoảng 16.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng nhanh từ 188 triệu đô la Mỹ năm 2008 lên gần 530 triệu USD vào năm 2013.
Hiện nay, cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, thị trường chủ yếu là Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ... Để mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa cá ngừ đại dương Việt Nam cần phải nhảy vào thị trường Nhật Bản. Muốn vậy, phải tính đến chất lượng của cá ngừ đại dương.
Lâu nay, việc câu cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung chủ yếu là bằng đèn cao áp, theo lối thủ công. Cá câu được thì đập chết bằng chày gỗ trước khi đưa vào hầm đá. Con cá được ướp lạnh không còn tươi ngon thịt bở, màu cá không đẹp. Cá ngừ khai thác và sơ chế kiểu này không thể ăn sống được mà chỉ đóng hộp. Vì thế, chúng ta bán sản phẩm với giá bèo bọt, trong khi chất lượng cá tại vùng biển của Việt Nam và Nhật Bản là tương đương...
Ông Masakazu Shoga - chuyên gia thủy sản công ty Kato Office cho biết: mỗi năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài với khoảng 100.000 tấn là cá tươi, còn lại là cá cấp đông. Các nước nhập khẩu cá vào thị trường Nhật đã có tới 80% ngư dân sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản.
“Với sự hợp tác giữa Kato Office với tỉnh Bình Định, các khiếm khuyết bước đầu đã được ngư dân khắc phục. Ngày càng có nhiều chuyến hàng cá ngừ đại dương được tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản”- ông Masakazu Shoga tin tưởng.
Vậy là từ nay, ngư dân câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã có thêm hy vọng vào cách làm ăn mới để giàu lên từ biển.
Câu chuyện đưa con cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định nhảy vào Nhật Bản thành công là bài học cụ thể trong việc làm ăn thời hội nhập. Điều này cần sự chuyển hướng nhanh nhạy và đồng bộ từ các bộ ngành, địa phương để góp phần mang lại hiệu quả cao cho người lao động và nền kinh tế nước nhà./.